Chữa “căn bệnh lãng phí” cho trẻ

GD&TĐ - Ở góc nhìn nào đó, người Việt bị đánh giá là thiếu tôn trọng sức lao động. Thực tế là một bộ phận người trẻ đang lãng phí sức lao động, thời gian, của cải, thực phẩm…

Nhiều người trẻ đang lãng phí quá nhiều thời gian vào trò chuyện vô bổ trên mạng xã hội, chơi game online… Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Nhiều người trẻ đang lãng phí quá nhiều thời gian vào trò chuyện vô bổ trên mạng xã hội, chơi game online… Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Lãng phí vì sống… ảo 

Nhà giáo Nguyễn Thanh Minh, cựu giáo chức TPHCM chia sẻ, vấn đề lãng phí nói chung biểu hiện trên nhiều phương diện. Ví dụ như, đi tới đâu, vào giờ nào cũng có thể bắt gặp những quán nhậu, những quán nhạc, quán cà phê đều đông đúc. Nhiều người làm công sở thì “bớt xén” thời gian để ra ngồi tám chuyện với bạn bè, về nhà sớm, làm việc riêng hay xài điện, nước, giấy… vô tư vì chẳng phải trả tiền.

Ở một số vùng quê, có không ít người trẻ đang lãng phí thời gian, công sức, ham chơi, ham vui, lười lao động… dẫn đến không ít tệ nạn. Tương tự, sẽ không khó bắt gặp những bữa tiệc lớn, những ngày lễ, Tết mâm cỗ bày ra, rồi nhìn vào những bịch rác của ngày hôm sau, toàn là đồ ăn dư thừa. Chưa kể, mỗi dịp lễ, những bó hoa bán chạy như “tôm tươi”, nhưng chỉ một ngày sau, hình ảnh rác hoa ngập khắp các thùng rác ở trên đường.

“Lãng phí nhiều lắm, nhưng cái chúng ta nhìn vào không phải là lãng phí đĩa thức ăn, lãng phí vì mua sắm quá nhiều đồ đạc những không xài tới… cái lãng phí lớn nhất, chính là lãng phí sức lao động, lãng phí thời gian, sức khỏe và trí tuệ. Phải nhìn nhận như thế để tìm ra cách giải quyết, mà không đâu hết phải bắt nguồn từ giáo dục. Giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội”, nhà giáo Nguyễn Thanh Minh chia sẻ.

Tương tự, thầy Đỗ Đức Anh (Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM) cho hay, không ít người đang lãng phí thời gian. Trong đó nhìn thấy rõ nhất là các bạn trẻ. Đơn cử như, các bạn dành thời gian dành quá nhiều cho mạng xã hội, lướt web, trò chuyện tán gẫu vô bổ. Nhiều bạn chơi game đến “nghiện” bỏ bê học hành. 

Dĩ nhiên, mạng xã hội ra đời cũng có những tính tích cực của nó. Tuy nhiên, nếu dành quá nhiều thời gian cho nó mà không có mục đích phù hợp thì cần lên án. Vì khi quá “nghiện” mạng xã hội hội sẽ là con dao hai lưỡi, dễ sống ảo, chạy theo đám đông… 

“Thay vì thời gian đó, bạn trẻ có thể đọc sách, tham gia CLB nào đó, phụ giúp gia đình dọn dẹp, tập thể dục…”, thầy Đức Anh đưa ra lời khuyên. 

Ngoài ra, nhiều bạn trẻ đang quá lãng phí tiền bạc vào thời trang, công nghệ, thực phẩm. Lãng phí tiền bạc chính là biểu hiện lãng phí công sức lao động của bản thân, của gia đình. Cụ thể như bạn A mê điện thoại đời hiện đại nhất, sẵn sàng trả góp, gom hết tiền tiết kiệm để đặt hàng, thậm chí nói với ba mẹ đủ lý do để xin tiền mua. Theo thầy Đức Anh, “vấn đề quan trọng là làm sao, họ nhận ra được những gì là cần thiết cho bản thân, để mua sắm phù hợp với nhu cầu. Chứ không phải chạy theo đám đông, mua để “sống ảo” để khoe với bạn bè, thể hiện bản thân, vì sở thích nhất thời. Điều đó phải đòi hỏi sự thay đổi từ trong nhận thức của mỗi người”. 

Cần thay đổi từ những điều nhỏ nhất

Chia sẻ về vấn đề lãng phí, thạc sĩ Chính trị học Lê Thị Hồng Anh - đang làm việc tại TPHCM cũng đồng quan điểm cho rằng, biểu hiện của lãng phí có thể nhìn thấy cụ thể như tiền bạc, đồ ăn, thức uống, điện, nước… nhưng có những thứ có để ý thì chúng ta mới nhận thấy như: Cơ hội, thời gian, sức khỏe, trí tuệ, sức lao động. Chính vì vậy, trong cuộc sống ngày nay, một số người bỏ lỡ nhiều cơ hội, lãng phí nhiều thời gian, phung phí nhiều sức khỏe, đánh mất cơ hội học tập, lãng phí công sức lao động mà đôi khi nhận ra được thì đã muộn…  

Vì vậy, thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất, nhận thức được vấn đề nếu những lãng phí của cá nhân, gia đình, của xã hội sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai ra sao là điều rất quan trọng. 

“Đừng để mất quá nhiều thời gian vào những việc vui chơi vô bổ, làm những việc không đem lại lợi ích gì và đừng than vãn là mình không có thời gian để làm những công việc đó. Hãy tận dụng tối đa năng lượng mình đang có để làm việc, để tích lũy, để học tập, để giữ gìn sức khỏe. Đó chình là bạn đang “tiết kiệm” cho bản thân, cho gia đình trong tương lai”, thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh đưa ra lời khuyên.

“Căn bệnh” lãng phí không phải ai cũng dễ dàng nhận ra, nếu chỉ nói về lý thuyết suông, hô hào lại càng rất khó để “chữa trị”. Chính vì vậy, bắt đầu từ những hành động nhỏ trong cuộc sống của mỗi cá nhân là điều rất quan trọng. 
Thầy giáo Đỗ Đức Anh cũng lấy một ví dụ cụ thể như năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều ngành, nghề chịu tổn thất nặng nề, dẫn tới người lao động bị mất việc, không có thu nhập, tác động lớn đến cuộc sống cá nhân và gia đình. Đặt vào trường hợp cụ thể, nếu cá nhân mỗi người có sự tích lũy, tiết kiệm về mặt tài chính chắc chắn sẽ khác với những người “làm bao nhiêu xài hết bấy nhiêu”. 

Điều đó cho thấy, bài học về sự tích lũy là vô cùng quan trọng, bởi khi có bất cứ điều gì xảy ra nếu chúng ta biết tích lũy, tiết kiệm sẽ có thể có tiềm lực để vượt qua khủng hoảng. Thói quen tích lũy, tiết kiệm bắt điều từ những điều nhỏ nhất là vô cùng quý giá mà điều quan trọng là bắt nguồn từ gia đình phải hình thành cho con trẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.