Chữa bệnh 'sợ' học chính trị cho sinh viên

GD&TĐ - Vì nhiều lý do khác nhau, không ít sinh viên còn ngại học tập, nghiên cứu Chính trị học. Làm thế nào để sinh viên hứng thú với môn này?

Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Internet
Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Internet

Các chuyên gia cho rằng, cần đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo thông qua các tình huống giả định, sát với thực tiễn…

Tổ chức hoạt động trải nghiệm

Từng phải học lại môn Chính trị học đại cương, Nguyễn Văn Phúc – sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, với em đây là môn học khó, khô khan nên dễ nhàm chán. Vì thế, ở góc độ người học, Phúc mong muốn, làm thế nào để môn học dễ gần, dễ nhớ; các bài giảng trở nên sinh động; thậm chí có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm trong học tập và giảng dạy.

Là một trong những cơ sở đào tạo cử nhân chính trị, TS Trần Thị Thu Huyền - Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho hay, đặc thù và mục tiêu đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là sinh viên ngành học này có thể giảng dạy môn Chính trị tại trường đại học trên cả nước. Vì vậy, trong khung chương trình đào tạo của ngành vẫn có phương pháp giảng dạy Chính trị học. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi đội ngũ giảng viên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp sinh viên có môi trường tối ưu để rèn nghề, hình thành những phẩm chất, năng lực cần thiết.

TS Trần Thị Thu Huyền gợi mở, tổ chức hoạt động trải nghiệm là một trong những cách thức tối ưu để chuyển tải kiến thức khô khan và khó hiểu trong môn Chính trị học, giúp các bạn trẻ mới rời ghế trường phổ thông có thể nhanh chóng hiểu được vai trò, nhiệm vụ của bản thân khi học ngành này.

“Trước hết, cần phân biệt sự khác nhau giữa hoạt động trải nghiệm - hoạt động giáo dục bắt buộc trong các trường phổ thông - với hoạt động trải nghiệm trong từng môn học cụ thể” - TS Trần Thị Thu Huyền nhấn mạnh, đồng thời phân tích: Hoạt động trải nghiệm trong trường phổ thông có mục tiêu rõ ràng, được các nhà giáo dục trong trường thiết kế, tổ chức theo kế hoạch.

Nhà trường sử dụng những nội dung, phương pháp, phương tiện phù hợp để tạo ra môi trường trải nghiệm tích cực; trong đó, học sinh làm trung tâm. Các em sẽ sử dụng các kiến thức, kinh nghiệm, cảm xúc vốn có của bản thân để tham gia hoạt động trải nghiệm do nhà giáo dục thiết kế. Trên cơ sở đó, học sinh tự chiêm nghiệm và rút ra những tri thức mới trong quá trình tham gia hoạt động của cá nhân và tập thể. Kết quả hoạt động sẽ có được qua quá trình tương tác với bạn bè, thầy cô.

Còn hoạt động trải nghiệm trong từng môn học được hiểu là hoạt động tương tác, thông qua các kịch bản, tình huống giả định, hoặc tình huống thực tế được nhà giáo dục thiết kế trong hoặc sau quá trình dạy học. Qua đó, học sinh có thể khám phám trải nghiệm trước khi tìm hiểu một đơn vị kiến thức mới trong môn học, hoặc là quá trình học sinh dùng nội dung vừa học của môn học đó để vận dụng, củng cố kiến thức. Các hoạt động này được thực hiện trong lớp học, ở trường, ở nhà hay tại bất kỳ địa điểm nào phù hợp.

Sinh viên Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) tham gia Hội thi giảng cấp trường năm học 2022 – 2023. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) tham gia Hội thi giảng cấp trường năm học 2022 – 2023. Ảnh: NTCC

Tạo hứng thú cho sinh viên

Để tạo hứng thú cho sinh viên tìm hiểu tri thức của môn học và ngành học, TS Trần Thị Thu Huyền cho rằng, cách thức hiệu quả nhất chính là tạo ra những nhiệm vụ học tập, tình huống giả định sát với thực tế cuộc sống của sinh viên. Qua đó, giúp các em tương tác với bạn học trong nhóm, tự mình chiêm nghiệm, tự mình đắm chìm trong các tình huống giả định đó và đưa ra cách thức giải quyết.

Cuối cùng, sinh viên sẽ tự mình rút ra kinh nghiệm cho bản thân sau khi tranh luận, tương tác và tham gia tranh biện với nhóm khác… Từ đó, tri thức mới sẽ được sinh viên lĩnh hội một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. “Có thể nói, hoạt động trải nghiệm khi được vận dụng vào giảng dạy môn Chính trị học là giải pháp tối ưu để sinh viên ngành Chính trị học được rèn kỹ năng và hình thành các năng lực cần thiết” - TS Trần Thị Thu Huyền nhìn nhận.

Theo TS Phan Duy Quang - Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một trong những nhiệm vụ chính trị hệ trọng của bộ môn Chính trị học, nhất là ở bậc đại học là góp phần xây dựng thái độ, quan điểm, lập trường, bản lĩnh chính trị cho sinh viên – nguồn nhân lực quan trọng đối với tương lai của đất nước. Trong khi đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và hoạt động nghiên cứu, giảng dạy Chính trị học với tư cách là một bộ phận hữu cơ của lĩnh vực này đang diễn ra trong bối cảnh mới và đứng trước những nhiệm vụ, thách thức mới.

Do vậy, để thúc đẩy phát triển nội dung chuyên môn cũng như đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, TS Phan Duy Quang nhấn mạnh, công tác nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Chính học cần tiếp tục chuyển mình đáp ứng yêu cầu vừa cấp thiết, vừa dài hạn. Theo đó, cần tăng cường quán triệt kịp thời, chất lượng hơn các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh mới. Trong đó, một số chiều cạnh cần được chú trọng, nhấn mạnh đậm nét hơn.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Cũng cần lưu ý, sinh viên đại học có khả năng cập nhật thông tin nhanh, sử dụng thiết bị tin học, điện tử, truy cập thường xuyên trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử. Do vậy, bên cạnh những giá trị tích cực từ nguồn dữ liệu, thông tin khổng lồ trên mạng và từ tương tác xã hội trên môi trường mạng, chúng ta cần lưu tâm định hướng các em tiếp thu tỉnh táo, chọn lọc, thận trọng và có phê phán trước các nội dung trái chiều.

Hơn nữa, sinh viên cần biết cách nhận diện và phê phán kịp thời những luồng, kênh, nội dung thông tin xấu, độc hại, phản động, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ; tránh vô tình hùa theo các hoạt động, tư tưởng lệch lạc, tiêu cực, phản động trên môi trường mạng Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng.

“Việc tăng cường quán triệt nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào nghiên cứu, giảng dạy chính trị là đòi hỏi khách quan, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài” - TS Phan Duy Quang nhấn mạnh và gợi ý một số vấn đề cần tập trung: Nắm bắt và khái quát bối cảnh mới với một số nét nổi bật đang chi phối toàn diện, sâu sắc lĩnh vực bảo vệ nền tảng tư tưởng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung cũng như việc quán triệt nội dung của lĩnh vực này vào nghiên cứu, giảng dạy bộ môn Chính trị học hiện nay.

Cùng với đó, nhận định và phân tích một số khía cạnh nổi bật, cần được lưu tâm, chú trọng hơn cả trong quá trình quán triệt các nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh mới.

Cuối cùng, kế thừa và bổ sung nội dung, cách tiếp cận và chiều cạnh quan trọng, nhằm góp phần tăng cường quán triệt kịp thời, chất lượng hơn đối với nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong nghiên cứu, giảng dạy chính trị học hiện nay. Thực tiễn luôn vận động, nội dung nhiệm vụ cũng cần bám sát sự vận động này để có thể thích ứng kịp thời và thiết thực.

Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày nhập học. Ảnh: NTCC

Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày nhập học. Ảnh: NTCC

Chia sẻ tri thức và kinh nghiệm đào tạo

Trong tham luận của mình về một số vấn đề của chính trị học và giảng dạy chính trị học ở Việt Nam - tại hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy chính trị học tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện”, ông Vũ Hoàng Công – Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, môn Chính trị học được giảng dạy từ rất lâu trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.

Gần đây, từ sự phát triển của đội ngũ giảng viên được đào tạo tương đối bài bản, từ nhu cầu của xã hội, một số cơ sở đào tạo, trường đại học đang nỗ lực xây dựng chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học về Chính trị học. Từ đó, nảy sinh nhu cầu chia sẻ tri thức và kinh nghiệm đào tạo về chính trị học.

Trao đổi về đào tạo đại học ngành Chính trị học, ông Vũ Hoàng Công cho rằng, bất luận là cơ sở đào tạo có tính chất, mục tiêu nào thì yêu cầu đầu ra cần phải đạt được là: Trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và thái độ. Cụ thể, người học hiểu được quy luật và những đặc điểm của chính trị, không rơi vào phiến diện, cực đoan hoặc là ảo tưởng, lý tưởng hóa, hoặc bi quan, yếm thế, thậm chí quay lưng với chính trị.

Người học phải biết vận dụng những giá trị tốt đẹp của nhân loại, biết tự hào với truyền thống và hiện tại của đất nước. Tin tưởng vào tương lai của dân tộc; trở thành công dân tốt, người hoạt động chính trị chuyên nghiệp và người lãnh đạo tốt. Điều ấy phụ thuộc vào chương trình, nội dung, trình độ, đạo đức và ý thức chính trị của đội ngũ thầy, cô giáo. Cùng với đó là nỗ lực, trau dồi của người học và đánh giá, thanh lọc của cơ sở đào tạo.

Đối với ngành Chính trị học, PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, dù còn mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới, ngành học này đã có lịch sử khá lâu đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện như hiện nay sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển của ngành Chính trị học ở Việt Nam, song cũng đặt ra những thách thức và khó khăn.

PGS.TS Nguyễn Văn Trào cho biết: Năm 2016, ngành Chính trị học chính thức được tổ chức đào tạo hệ cử nhân ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Với mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo; đồng thời thúc đẩy phát triển ngành Chính trị học, nhà trường mong muốn tạo ra những diễn đàn trao đổi học thuật và thực tiễn giảng dạy. Qua đó để các nhà khoa học, nghiên cứu, giảng viên ở học viện, trường đại học, viện nghiên cứu có cơ hội chia sẻ hoặc gợi mở những vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy chính trị học ở Việt Nam.

“Thông qua những diễn đàn trên, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần nâng cao vị thế của ngành Chính trị học trong các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” - PGS.TS Nguyễn Văn Trào bày tỏ.

Theo TS Phan Duy Quang, công tác nghiên cứu, giảng dạy chính trị học cần tích cực hơn. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến, thay đổi về tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên trước những hoạt động truyền bá, xuyên tạc không ngừng và ngày càng tinh vi của các đối tượng thù địch chống phá Đảng, Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ