Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận, chữ Raglai được đưa vào biên soạn sách dạy và học thí điểm, được người dân đón nhận.
Tiếng Raglai có 4 phương ngữ
Tiếng Raglai là thành viên của Nhóm ngôn ngữ Aceh-Chăm thuộc ngữ tộc Malay-Polynesia của ngữ hệ Nam Đảo. Nó có quan hệ gần gũi với tiếng Chăm. Theo Cobbey (1977) tiếng Raglai hoặc Ra Glai có 4 phương ngữ, đó là: Ra Glai Bắc; Du Long; Ra Glai Nam; Các Gia
Năm 2004, theo tài liệu nghiên cứu của nhóm PGS.TS Nguyễn Văn Lợi về Đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng chữ viết và biên soạn sách học tiếng Raglai ở Ninh Thuận”, cho rằng nguồn gốc ngôn ngữ Raglai chủ yếu là ngôn ngữ nói, không có chữ viết.
Trước đây, có một số hệ thống chữ viết Raglai được chế tác, phổ biến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những năm 1960 - 1965, tại vùng giải phóng ở miền Tây Khánh Hòa và Ninh Thuận, phong trào học và sử dụng chữ viết Raglai phát triển góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng dân tộc Raglai.
Trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn trước 1975, Viện Ngữ học mùa hè (Summer Institute of Linguistics, viết tắt:SIL), chế tác chữ viết Raglai, dùng chữ viết này biên soạn các tài liệu học tiếng Raglai và dịch Kinh Thánh đạo Tin Lành. Tuy nhiên, trong thực tế chữ viết Raglai và tài liệu của tổ chức SIL không phổ biến trong đồng bào Raglai.
Sau khi tỉnh Ninh Thuận tái lập năm 1992, đến năm 2002, tỉnh đặt hàng đề tài khoa học cho Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện khoa học xã hội Việt Nam với Đề tài: “Xây dựng chữ viết và biên soạn sách học tiếng Raglai ở Ninh Thuận”; đề tài được nghiệm thu và công bố năm 2007.
Đến năm 2017, Tỉnh ủy, UBND tỉnh mới chủ trương biên soạn tài liệu bồi dưỡng tiếng Raglai dành cho cán bộ, công chức, viên chức công tác vùng miền núi, vùng dân tộc Raglai. Sở GD&ĐT Ninh Thuận được giao nhiệm vụ Trưởng ban biên soạn tài liệu và Đề tài “Xây dựng chữ viết và biên soạn sách học tiếng Raglai ở Ninh Thuận” được nghiên cứu, vận dụng để phát triển chữ viết; trong đó, chữ viết có sự cải tiến để phù hợp với thực tiễn ngôn ngữ nói và lấy phương ngữ huyện Bác Ái làm ngôn ngữ trung tâm để phát triển.
Nâng cao năng lực ngôn ngữ và văn hóa Raglai
Tiếng Raglai là môn học thuộc lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ, được học từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông nhằm đáp ứng sự lựa chọn của học sinh người Raglai trong việc nâng cao năng lực ngôn ngữ và văn hóa Raglai.
Trong hệ thống các môn học ở phổ thông, Tiếng Raglai là môn học tự chọn. Ở vùng có nhiều học sinh người Raglai, đây là môn học tự chọn thứ nhất. Môn học tiếng Raglai có mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ tiếng Raglai) thông qua các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe.
Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ dạy học Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, nhận định, trong công tác dạy và học tiếng Raglai, việc chú trọng kỹ năng đọc, viết tiếng Raglai góp phần phát triển công cụ ngôn ngữ cho học sinh. Từ đó, giúp học sinh có phương tiện giao tiếp trong cộng đồng người Raglai, mở rộng khả năng tiếp nhận tri thức cho học sinh.
Được biết, tiếng Raglai được nghiên cứu biên soạn dạy thí điểm từ năm học 2020 – 2021; đến nay đã tổ chức dạy thực nghiệm đến lớp 2 tại trường tiểu học có đông người dân tộc Raglai; trong đó, huyện Bác Ái đạt tỷ lệ 100% học sinh tham gia học tiếng Raglai.
Chương trình môn Tiếng Raglai có cấu trúc và nội dung tương đương với các chương trình môn học khác, học sinh đều có thể học tốt môn tiếng Raglai và các môn học khác.
“Thực tế, môn tiếng Raglai chủ yếu sử dụng ngữ liệu văn hoá, văn học Raglai để dạy học, giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc mình, hình thành ở học sinh ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa. Đồng thời, để tiếng dân tộc Raglai hài hòa với văn hóa của các dân tộc trên đất nước Việt Nam”, ông Quang thông tin.
Về khó khăn và hạn chế, ông Quang cho rằng, đối với người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số có quy định rõ đối tượng nhằm đảm bảo sự công bằng trong giáo dục: “Người học là người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục, được nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc học tiếng dân tộc thiểu số”. Tuy nhiên, hiện nay, sách vẫn chưa được xuất bản, lưu hành, gây khó khăn cho đại phương để phân bổ ngân sách mua cấp theo quy định.
“Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận trình Bộ GD&ĐT xem xét, dự kiến đưa tiếng Raglai vào Chương trình giáo dục phổ thông nhằm tạo cơ sở pháp lý, triển khai thực hiện tốt mục tiêu tỉnh Đảng bộ đề ra. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ biên soạn sách giáo khoa, tài liệu dạy học tiếng Raglai bậc tiểu học theo chủ trương của Tỉnh ủy”, ông Quang nhấn mạnh.
Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, được tái lập từ tháng 4/1992, diện tích tự nhiên 3.358 km2; dân số toàn tỉnh có 187.117 hộ/734.423 khẩu (tính đến cuối năm 2023); có 6 huyện, 1 thành phố, 65 xã, phường, thị trấn; trong đó vùng dân tộc thiểu số có 28 xã, thị trấn với 124 thôn, khu phố; 1 huyện nghèo Bác Ái. Toàn tỉnh có 32 dân tộc thiểu số với 39.478 hộ/176.452 khẩu, chiếm tỷ lệ 24,03% so với dân số toàn tỉnh; chủ yếu đồng bào dân tộc Chăm dân tộc Raglai.