Chú trọng rèn kỹ năng, tâm lý cho học trò khi tới trường

GD&TĐ - Ngay khi học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục tại Hải Phòng chủ động phương án đánh giá lại kiến thức, kỹ năng của các em một cách phù hợp.

Học sinh lớp 6A2, Trường THCS Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên.
Học sinh lớp 6A2, Trường THCS Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên.

Đồng thời, nhà trường phối hợp với gia đình nắm bắt tâm lý của học trò, để quan tâm hỗ trợ tư vấn cho các em về tâm lý, tinh thần sau một thời gian dài ở nhà học trực tuyến.

Em Đỗ Thị Giang, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, bày tỏ: Nghỉ học, em lo không hiểu bài nhưng đi học lại sợ bị nhiễm bệnh. Để được chọn em mong muốn học trực tiếp vì ở trường có nhiều hoạt động, chúng em được giao tiếp, trao đổi cùng thầy cô, bạn bè. Em mong dịch qua nhanh để trường học trở lại trạng thái bình thường.

Bà Nguyễn Thuý Liễu - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hải Phòng - nhận định: Quay lại trường học lần này, tâm lý học sinh sẽ khác rất nhiều so với khi trẻ nghỉ hè những năm trước. Dù các em rất hào hứng nhưng không tránh khỏi lo âu, sợ hãi và những xáo trộn tâm lý thường gặp tuổi học trò do thời gian dài hạn chế tiếp xúc, giao tiếp. Để hỗ trợ tâm lý cho các em, thầy cô và gia đình cần phối hợp chặt chẽ.

Khi học trò đến trường, song song với học kiến thức mới, cô giáo sẽ ôn tập kiến thức cũ. Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Cẩm Vân - giáo viên dạy Khoa học tự nhiên, Trường THCS Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên - nói: Trong giờ học cô tạo không gian cho học sinh được hoạt động, trao đổi bài, đồng thời kể những câu chuyện vui trong dịp xuân mới để các em nghe và trải lòng. Lớp học vì thế thêm phần sôi động, học sinh hào hứng hơn.

Chị Hoàng Thị Duyên, phụ huynh tại huyện Thủy Nguyên bày tỏ mong muốn các thầy cô sát sao và tâm lý với học sinh, giúp các con lấp được khoảng trống kiến thức và vững vàng tinh thần khi đi học trở lại. Phụ huynh rất ủng hộ phương án của nhà trường là linh hoạt trong mọi tình huống, trực tiếp và trực tuyến để bảo đảm tiến độ chương trình giáo dục.

Thời gian đầu học sinh đi học, nhà trường ôn tập và củng cố kiến thức cho các em. Vấn đề rèn kỹ năng, tư vấn tâm lý cho học sinh được trường lồng ghép trong các tiết học chứ không riêng giờ sinh hoạt. Theo thầy Đỗ Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, nhà trường yêu cầu giáo viên nắm bắt tình hình sức khỏe, tâm lý của học sinh qua mỗi giờ dạy. Trong giờ học, thầy cô cùng trò chuyện với các em, qua đó cung cấp kiến thức phòng dịch, kỹ năng khai thác thông tin, giáo dục hành vi, lối sống cho trò.

Còn bà Nguyễn Thuý Liễu nhấn mạnh: Sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh quan trọng hơn cả. Các thầy cô cần nới lỏng để trò thích nghi và không đặt nặng vấn đề kiểm tra kiến thức. Các nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động, công tác tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.