Chú trọng phát triển năng lực học Mĩ thuật trong Chương trình mới

GD&TĐ - Hiện nay, không ít tiết dạy Mĩ thuật hiểu chưa đúng về dạy học mĩ thuật...

Cụm Trường Tiểu học Nguyễn Du và Tiểu học Thái Phiên (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) thực hiện Chuyên đề cấp quận “Dạy học môn Mĩ thuật lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Ảnh: INT
Cụm Trường Tiểu học Nguyễn Du và Tiểu học Thái Phiên (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) thực hiện Chuyên đề cấp quận “Dạy học môn Mĩ thuật lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Ảnh: INT

Trong môn Mĩ thuật, tổ chức dạy học thông qua các hoạt động là hình thức tổ chức dạy học nhằm hình thành kĩ năng, kiến thức lâu bền và có hiệu quả, cũng như giúp học sinh có năng lực tự học, sáng tạo sản phẩm mĩ thuật.

Xác định hoạt động phù hợp

Hoạt động trong một bài học/chủ đề vô cùng phong phú và đa dạng. Vấn đề là các hoạt động này phải tập trung vào mục tiêu và yêu cầu chính của bài học/chủ đề, nên quan trọng là từ mục tiêu bài học/chủ đề mà xác định các hoạt động cho phù hợp.

Hiện nay, không ít tiết dạy Mĩ thuật hiểu chưa đúng về dạy học mĩ thuật thông qua hoạt động bởi nhiều hoạt động được tổ chức không liên quan đến yêu cầu cần đạt của bài học như một số hoạt động khởi động, mở rộng, liên hệ, vận dụng nhằm giáo dục phẩm chất, phát huy vốn sống của học sinh, gắn với thực tế nhưng xa với mục tiêu, yêu cầu cần đạt của bài học.

Cách tổ chức hoạt động hiệu quả chính là giáo viên nêu vấn đề, gợi mở, dẫn dắt để học sinh làm việc nhịp nhàng, hiệu quả...; khéo léo uốn nắn những kiến thức, kĩ năng học sinh hiểu và làm chưa đúng, chính xác... để giúp học sinh biết, hiểu và vận dụng phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh.

Do đó, các hoạt động cần tập trung bám sát mục tiêu của bài học; kiên quyết bỏ đi các hoạt động xa với yêu cầu của bài học, bởi chúng vừa làm nặng thêm chương trình, gây quá tải cho học sinh, vừa không giúp ích cho việc phát triển các kĩ năng liên quan đến bài học/chủ đề.

Ở phần Mở đầu có tính chất giới thiệu nên các hoạt động cần tổ chức nên là giáo viên cho học sinh tìm hiểu các thông tin giúp cho việc quan sát, liên tưởng liên quan đến bài học, tránh việc đưa ra quá nhiều kiến thức hay liên hệ phẩm chất, thái độ ở hoạt động này.

Cùng với đó, giáo viên nên cho học sinh tìm hiểu, phân tích hình ảnh, yếu tố/nguyên lí tạo hình trong tác phẩm/ sản phẩm mĩ thuật để định hướng, gợi mở cho ý tưởng thực hiện theo nhiệm vụ học tập ở hoạt động kế tiếp. Việc chốt ý ở hoạt động này nhằm khái quát một số nét nổi bật về nội dung và hình thức thể hiện.

Để thực hiện hiệu quả việc tổ chức các hoạt động ở phần này, giáo viên cần nghiên cứu kĩ các câu hỏi định hướng trong sách giáo khoa để chuyển thành các nhiệm vụ trên lớp, giao cho học sinh tìm hiểu (cá nhân hoặc nhóm).

Việc đưa quá nhiều thông tin ở hoạt động này như video clip, trình chiếu tư liệu mà không có tác dụng nhiều trong định hướng, gợi mở hình thành ý tưởng sáng tạo liên quan đến mục tiêu bài học dễ phân tán tập trung, không gắn kết với yêu cầu đặt ra ở phần này, đó chỉ là giới thiệu và dẫn nhập, tạo hứng thú…

Do đó, cần xác định rõ hoạt động nào là chính ở phần này thì cần dành phần lớn thời gian, sự tập trung, còn những hoạt động nào có tính bổ trợ thì cân nhắc đưa vào phần Khởi động.

Tiết học trải nghiệm sáng tạo môn Mĩ Thuật tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ảnh: INT

Tiết học trải nghiệm sáng tạo môn Mĩ Thuật tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ảnh: INT

Tổ chức các hoạt động nhóm

Ở phần Hình thành kiến thức, kĩ năng mới thì hoạt động thực hành, sáng tạo sản phẩm mĩ thuật sẽ là chính, nên những hoạt động tìm hiểu các bước gợi ý, thị phạm quy trình tạo sản phẩm mĩ thuật chỉ là những định hướng, gợi mở cho phần học sinh thực hành, không thể chiếm nhiều thời gian.

Ở phần này, giáo viên có thể dùng nhiều kĩ thuật để hỗ trợ đối với học sinh chưa tìm được ý tưởng, vật liệu, cách làm… như phân tích các hình minh họa trong sách; mời học sinh khác lên bày tỏ ý kiến, cách giải quyết với tình huống khó khăn của bạn… cũng như khai thác vốn kinh nghiệm đã có của học sinh đối với môn học ở tình huống tương tự. Việc học sinh thực hiện sản phẩm mĩ thuật thể hiện việc hiểu biết về kiến thức, kĩ năng mới nên đây sẽ là phần trọng tâm trong tiến trình lên lớp.

Ở phần Luyện tập có mục tiêu nhằm củng cố kiến thức kĩ năng đã học nên các hoạt động ở phần này nhằm làm rõ các yếu tố cấu thành nên sản phẩm mĩ thuật, cũng như giải quyết phần phẩm chất, liên hệ thực tiễn. Cần chú ý, hệ thống câu hỏi định hướng trong sách giáo khoa chỉ nêu lên các ý khái quát, còn lại giáo viên cần tổ chức cho học sinh tìm kiếm, bổ sung trên cơ sở sản phẩm mĩ thuật đã thực hiện.

Ở phần Vận dụng có tính chất kết nối tri thức với cuộc sống nên những hoạt động nhằm mở rộng, khai thác năng lực ứng dụng thẩm mĩ cần được tập trung. Ở phần này, khuyến khích tổ chức các hoạt động nhóm, dự án học tập để mở rộng không gian giáo dục, từ nhà trường cho đến cộng đồng.

Như vậy, ở mỗi bài học/chủ đề trong môn Mĩ thuật, học sinh không chỉ sáng tạo nên sản phẩm mĩ thuật thuần túy, mà qua đó hình thành nên những năng lực mĩ thuật đặc thù: Quan sát và nhận thức thẩm mĩ – sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ – phân tích và đánh giá thẩm mĩ.

Giáo viên cần nắm chắc mục tiêu của bài học/chủ đề để biết lựa chọn, tổ chức các hoạt động thực sự cơ bản, có ích trong dạy học thì mới có thể hướng dẫn học sinh cách lĩnh hội, từng bước hình thành, rèn luyện những kĩ năng liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.