Chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao

GD&TĐ - Ngày 5/8, tại TP. Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, theo đó đã thống nhất tập trung xây dựng phát triển thành phố trên 3 trụ cột, đều liên quan đến lĩnh vực dịch vụ và du lịch.

Trong đó, thứ nhất là Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế. Thứ hai là Kinh tế tri thức, trong đó với 2 mũi nhọn chính đó là Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, gắn với nền kinh tế số.

Thứ ba là Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 2 mũi nhọn là Cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics, và trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mang lại các giá trị rất to lớn, không chỉ tạo động lực cho kinh tế phát triển mà còn khơi dậy được các tiềm năng, lợi thế và văn hóa của đất nước, con người Việt Nam, tạo lập, củng cố sự liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực và tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế...

Các đại biểu chủ trì buổi Hội thảo.

Các đại biểu chủ trì buổi Hội thảo.

“Vì vậy, Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, để làm rõ hơn các cơ sở khoa học và thực tiễn của vấn đề. Kết quả của Hội thảo là một trong những cơ sở để Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII sắp đến. Đồng thời, cũng là cơ sở quan trọng để Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng thành phố theo yêu cầu Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đã đề ra”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đi sâu, phân tích, làm rõ kết quả đóng góp của ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong 35 năm đổi mới, nhất là từ năm 2010 đến nay. Đồng thời, nhận diện những xu thế phát triển và vận động chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành dịch vụ trong đó bao gồm ngành dịch vụ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ.

Các báo cáo chính của Hội thảo được trình bày bởi các diễn giả là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế và các tổ chức quốc tế tập trung vào các chủ đề: Những xu hướng du lịch toàn cầu và ý nghĩa đối với Việt Nam; Ngành công nghiệp văn hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị, đề xuất...

Các đại biểu tham gia Hội thảo.

Các đại biểu tham gia Hội thảo.

Kết luận buổi hội thảo, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung Ương cho rằng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp mà cần phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ.

Đồng thời, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả đánh giá công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn vừa qua đã cho thấy cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đánh giá cao và cơ bản đồng tình với các ý kiến của quý vị đại biểu tại Hội thảo. Đồng thời, nhấn mạnh thêm một số nội dung chính qua kết quả Hội thảo.

Cụ thể, các ý kiến phát biểu tại buổi Hội thảo đã có sự thống nhất cao và đồng tình cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Đồng thời, Hội thảo cũng nhấn mạnh, mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới rõ ràng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực, đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ người dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp toàn dân”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương kết luận tại Hội thảo.

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương kết luận tại Hội thảo.

Ngoài ra, Hội thảo cũng khẳng định rằng, không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: công nghiệp công nghệ số, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông...

Đồng thời, tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam.

Phát triển ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững. Tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong thời gian tới cần tập trung phát triển nhanh một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, song song với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản, văn hoá truyền thống. Cuối cùng, cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo để thực hiện thắng lợi chủ trương tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...

“Đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa với các sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa trên cơ sở nhận định rõ và phát huy sức mạnh của nền văn hóa giàu bản sắc Việt Nam đi đôi với phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa tiêu biểu, ứng dụng các thành tựu của về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa của thế giới, xây dựng con người Việt Nam toàn diện gắn với yêu cầu phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thoát hiểm qua khe cửa hẹp

GD&TĐ - Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã giữ được cương vị cầm quyền qua cuộc bầu thủ tướng ở quốc hội, cho dù liên minh của ông không chiếm đa số.

Nguyễn Tuấn Anh tại CQ CSĐT. (Ảnh: CA huyện Văn Yên)

Bắt bị can truy nã sau một năm lẩn trốn

GD&TĐ - Công an huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thông tin, bắt được bị can trốn truy nã. Sau 1 năm lẩn trốn, người này bị bắt tại cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh.