Đà Nẵng: Gỡ 'nút thắt' để hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Thời gian qua, các sở, ngành ở TP Đà Nẵng đã “tiên phong” trong việc triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư.

Đà Nẵng đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Đà Nẵng đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Điểm “nghẽn” trong môi trường kinh doanh

Theo ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, kết quả khảo sát cộng đồng doanh nghiệp do Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố thực hiện cho thấy còn tồn tại một số điểm “nghẽn” trong môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố cần tháo gỡ để có thể khơi thông các nguồn lực phát triển.

Cụ thể, đó là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực Đà Nẵng chưa cân đối, thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng ngoại ngữ, nhất là đối với các ngành nghề mà Đà Nẵng đang tập trung thu hút đầu tư như công nghệ thông tin, logistics, du lịch…

Công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù được cải thiện nhưng có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng không nhất quán trong hướng dẫn, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Một số trường hợp làm kéo dài thời gian giải quyết thủ tục liên quan đến đăng ký đầu tư và giấy phép lao động.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô thấp hơn đáng kể so với mức trung bình cả nước, ngoài ra công nghiệp hỗ trợ của thành phố còn kém phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp trong khu công nghệ cao, dẫn đến khả năng liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương còn rời rạc và chưa có tác dụng lan tỏa.

Theo ông Ikeda Naoatsu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, có hai vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm chính là quỹ đất tại các khu công nghiệp không còn nhiều và nguồn nhân lực không còn dồi dào như các năm trước.

Cụ thể, việc tuyển dụng lao động tại công ty hiện rất khó khăn nên không đủ điều kiện để mở rộng sản xuất.

Nguyên nhân có thể do sau thời gian ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành dịch vụ đang dần khôi phục trở lại nên lực lượng lao động chuyển dịch về ngành dịch vụ. Cạnh đó, lực lượng lao động ngoại tỉnh, lân cận TP Đà Nẵng hiện có nhiều lựa chọn hơn ở các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… vì những nơi này có rất nhiều khu công nghiệp và đều đang mở rộng sản xuất, tuyển thêm công nhân.

Ông Phạm Trường Sơn - Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng - cho hay, thời gian qua, Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của TP rà soát, hỗ trợ và giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp FDI, giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư (như: Giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chậm nộp tiền ký quỹ) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Ông Sơn cho biết, Ban Quản lý tham mưu UBND TP đề xuất HĐND TP Đà Nẵng ban hành phương án thực hiện chính sách giảm tiền sử dụng hạ tầng cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung. Điển hình, giảm 50% tiền sử dụng hạ tầng phải nộp năm 2021 của các doanh nghiệp trong các khu này.

Doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng vừa qua, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết, để tháo gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp, TP Đà Nẵng đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đảm bảo phát triển hiệu quả và thực chất.

Cụ thể, Đà Nẵng tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị trong đó đẩy nhanh khởi công, xây dựng cảng biển Liên Chiểu, mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng gắn với phát triển dịch vụ logistics. Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin đón dòng vốn dịch chuyển quốc tế vào Việt Nam…

“Xác định khâu trọng tâm trong cải cách thủ tục hành chính thành phố là hoàn chỉnh, công khai quy trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và cụm công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các tổ công tác liên ngành do lãnh đạo UBND thành phố là tổ trưởng tiếp tục tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, công tác giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai một số dự án trọng điểm có quy mô vốn đầu tư lớn…”, ông Minh nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, cho hay, Sở vẫn tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện tốt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Đồng thời, chủ động thực hiện các hoạt động thu hút đầu tư với hình thức phù hợp diễn biến của dịch bệnh, kịp thời gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án quy mô, động lực như: Dự án Không gian sáng tạo, khu du lịch Làng Vân, khu tổ hợp đô thị thông minh - khu phi thuế quan…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.