Tập trung nguồn lực thực hiện tiêu chí
Huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) có xuất phát điểm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tương đối thấp. Hầu hết các xã trong huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Phong tục tập quán, nhận thức của nhân dân ở một số bản, xã vùng cao về công tác giáo dục còn hạn chế. Tỷ lệ chuyên cần của học sinh chưa cao, vẫn còn tình trạng bỏ học, nhất là ở các xã vùng khó khăn.
Cùng với đó, ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất còn hạn hẹp, còn vướng mắc về cơ chế. Các trung tâm học tập cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất cũng như nguồn lực cho hoạt động.
Trước những khó khăn đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đối với các tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể các xã, cơ sở vật chất các trường học được tăng cường đáng kể, cơ bản đủ điều kiện tối thiểu cho dạy và học.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường về số lượng và được đào tạo nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác thực hiện phổ cập giáo dục các cấp học, xã hội hoá giáo dục luôn được quan tâm, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Thầy trò Trường PTDTBT THCS Tìa Dình. |
Ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông cho biết: “Phòng GD&ĐT phụ trách tổ chức thực hiện tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về GD&ĐT. Chúng tôi thường xuyên quan tâm tới việc hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở vật chất đối với các đơn vị trực thuộc. Tích cực tham mưu với các cấp đầu tư kinh phí tu sửa cơ sở vật chất, tăng cường kêu gọi, vận động, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục”.
Tính đến tháng 9/2023, huyện Điện Biên Đông có 51 đơn vị trường học trực thuộc, trong đó có 37 trường chuẩn Quốc gia. Tính riêng 13 xã nông thôn, có 48 trường và 34 trường chuẩn Quốc gia.
Hiện tại, huyện Điện Biên Đông có 9/13 xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về trường học (Na Son, Luân Giói, Nong U, Mường Luân, Pu Nhi, Háng Lìa, Tìa Dình, Keo Lôm, Phình Giàng). Những xã có từ 3 trường trở lên có 100% đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, trong đó trên 70% đạt tiêu chuẩn mức độ 1.
Huyện Điện Biên Đông đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Cùng với đó, đạt chuẩn xóa mù chữ, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 2. Có 7/13 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Tỉ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 trên 98%. Trung tâm học tập cộng đồng được đánh giá xếp loại Khá. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, giáo dục thường xuyên, trung cấp trên 70%. Toàn huyện có 13/13 xã đạt tiêu chí số 14.
Những giải pháp trọng tâm
Huyện Điện Biên Đông phấn đấu duy trì kết quả đã đạt đối với tiêu chí số 5 về trường học, tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM. Để thực hiện mục tiêu đó, ngành GD&ĐT huyện đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm.
Ông Nguyễn Tiến Thắng cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và người dân trên địa bàn gắn liền với các cuộc vận động, các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động để thực hiện đạt và vượt các mục tiêu Chương trình MTQG xây dựng NTM lĩnh vực giáo dục.
Cùng với đó, tập trung thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Kế hoạch của UBND huyện về xây dựng trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia huyện Điện Biên Đông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình thăm gia đình học sinh. |
Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp giữa với cơ quan, ban, ngành của huyện và chính quyền các xã trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phát triển sự nghiệp giáo dục. Tập trung huy động các nguồn lực xây dựng mới 2 trường học trên địa bàn xã Phì Nhừ đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 để hoàn thành tiêu chí số 5 về trường học.
“Đối với những trường đã đạt chuẩn quốc gia, cần có kế hoạch tiếp tục giữ vững và nâng cao tiêu chí trường chuẩn, đảm bảo đạt chuẩn bền vững. Còn những trường chưa đạt chuẩn, cần chủ động rà soát, đối chiếu với các tiêu chuẩn thông tư của Bộ GD&ĐT, xây dựng kế hoạch, lộ trình đạt chuẩn quốc gia” – ông Thắng cho biết thêm.
Ngành GD&ĐT huyện Điện Biên Đông cũng chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện Kế hoạch số 137 của UBND huyện về Phổ cập giáo dục - xóa mù chữ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, củng cố, nâng cao kết quả chỉ số đã đạt được về phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của các xã cũng như toàn huyện.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn huyện Điện Biên Đông giai đoạn 2018 - 2025. Chỉ đạo các trường có cấp THCS đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh. Giúp học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề và chủ động lựa chọn các loại hình học nghề sau khi tốt nghiệp THCS cho phù hợp.
“Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với các trường THPT, Trung tâm GDNN - GDTX huyện, trường dạy nghề đẩy mạnh tuyên truyền học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học các trường THPT, GDTX cấp THPT hoặc đi học nghề. Từ đó, nâng cao chỉ số tiêu chí 14 và hướng tới đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 ở các xã” – ông Thắng chia sẻ.