Bạo lực đến từ đâu?
Lý giải cho những hành vi bạo lực nói chung, Chuyên gia giáo dục Tô Thuỵ Diễm Quyên nói: Khi bạn tức giận não bạn sẽ điều khiển tuyến thượng thận tiết ra các hoá chất gây hại cho cơ thể và đặc biệt gây tê liệt phần vỏ não tức não người và lúc ấy chỉ có não thú được sử dụng nên bạn trở nên hung hãn độc ác. Trong gia đình nếu bạn thường xuyên hành xử trong cơn tức giạn thì con cái bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đứa trẻ sống trong gia đình ứng xử bằng bạo lực sẽ trở thành kẻ bạo lực trong xã hội và cả trong gia đình của nó. Hoặc đứa bé sẽ trưởng thành, cư xử ôn hoà do học hỏi kinh nghiệm từ sự thất bại của cha mẹ nhưng trong tiềm thức vẫn là ngọn núi lửa đang ngủ. Vì thế có những đứa trẻ rất hiền nhưng rất cộc tính.
Như vậy để bọn trẻ không ứng xử bạo lực thì người cần được giáo dục đầu tiên chính là cha mẹ chúng.
Trẻ có xu hướng bạo lực – cần khẳng định, chúng là sản phẩm giáo dục lỗi. Từ gia đình đến nhà trường, cha mẹ và các thầy cô cần lắng nghe, tôn trọng trẻ thay vì áp đặt, mệnh lệnh một chiều. Hãy cho trẻ quyền phản biện. Dạy chúng biết yêu thương, san sẻ với những người xung quanh.
“Nhiều bố mẹ thấy con quan tâm công tác xã hội thường mắng con lo chuyện bao đồng. Biết con đang giúp bạn học thì nhiếc con mất thời gian lo thân mình trước đi. Và còn nhiều điều khác nữa khiến đa số người Việt đã quen với việc không thích hoặc không dám can thiệp vào những điều sai trái, chỉ lo bình yên cho bản thân. Điều này dần dần sẽ tạo nên những đứa trẻ vô cảm trước nỗi bất hạnh của đồng loại” – chuyên gia Diễm Quyên nhận định.
Cách nào kiềmchế bạo lực học đường?
Bàn về giải pháp, chuyên gia Tô Thuỵ Diễm Quyên cho rằng: Tại gia đình, cha mẹ cần là những tấm gương tốt cho con về cách ứng xử và chú trọng bồi dưỡng nhân cách cho con càng sớm càng tốt.
Tại trường học, giáo viên cần thường xuyên trau dồi, điều chỉnh nghiệp vụ sư phạm để nắm bắt sát nhất tình trạng của mỗi học sinh, kịp thời hỗ trợ các em tháo gỡ nút thắt tâm lý. Bởi sự quan tâm, hiểu biết, phương pháp và tình yêu của giáo viên chủ nhiệm là công cụ quan trọng để cảm hoá, giáo dục, kiểm soát và điều chỉnh hành vi của học sinh mình.
Dưới góc độ một nhà quản lý giáo dục, Ông Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho rằng: Để xảy ra các vụ bạo lực trong nhà trường, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm. Chúng ta có thể đánh giá về sự thiếu quan tâm hay chưa sâu sát trong nắm bắt tâm lý và tình hình học sinh của các thầy cô nhưng mặt khác cũng cần xét đến các yếu tố liên quan khác.
Chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề, kỹ năng sống của một đứa trẻ không thể chỉ trông chờ vào thầy cô và nhà trường với biết bao nhiệm vụ nặng nề khác. Đây là bài học cảnh tỉnh cho các gia đình, hãy quan tâm hơn, sâu sát hơn, gần gũi chia sẻ hơn để giúp con em mình trau dồi kỹ năng và kịp thời lắng nghe tâm tư của trẻ. Chỉ có chủ động phối hợp mới có thể cho hiệu quả tốt đẹp trong công tác giáo dục nên một nhân cách tốt.
Tất cả các học sinh liên quan đến vụ việc, bao gồm các em đánh bạn, học sinh bị bạn đánh hay những học sinh chứng kiến sự việc,… tất cả các em đều cần được quan tâm đặc biệt về tâm lý. Các em cần hơn nữa một môi trường sống hướng thiện, biết sẻ chia, yêu thương và thấu hiểu giá trị đích thực của cuộc sống từ gia đình, nhà trường và xã hội…
“Tôi cho rằng, trong vụ việc này thầy cô cần nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất, không nên che giấu hay ém nhẹm. Đó cũng là cách giáo dục học sinh về sự tuân thủ luật lệ. Luật pháp cũng quy định, trẻ em dưới 16 tuổi sẽ được kỷ luật theo hướng cảm hóa và giáo dục.
Tuy nhiên, cũng rất cần có hình thức kỷ luật cứng rắn và nghiêm khắc, đủ răn đe đối với các em học sinh vi phạm, làm bài học cho những trường hợp khác. Chúng ta nhân ái và độ lượng nhưng không thể dung túng cho những hành động sai trái. Đó là cách chúng ta dạy thế hệ trẻ biết đứng dậy sau vấp ngã chứ không phải là sự vùi dập”, ông Nguyễn Minh Quý nhấn mạnh.