Chú trọng đổi mới kiểm tra đánh giá, tăng cường giáo dục hướng nghiệp

GD&TĐ - Cử tri TPHCM đề nghị tiếp tục nâng cao chất lượng GDPT, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp; định hướng phân luồng HS chất lượng hơn. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về nâng cao chất lượng GDPT, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, Bộ GD&ĐT cho biết đã có Công văn số 4612/BGD&ĐT-GDTrH năm 2017 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS từ năm học 2017 - 2018. Trong đó có một số nội dung như: Tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của HS thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học; chú trọng rèn luyện cho HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho HS luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để HS tiếp nhận và vận dụng. 

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Chương trình GDPT mới theo hướng tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; giúp HS làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống.

Về đổi mới kiểm tra đánh giá, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGD&ĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 58/2011/TT-BGD&ĐT ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và HS THPT theo hướng đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường đánh giá thường xuyên, nhằm đánh giá sự tiến bộ của HS, phát huy phẩm chất, năng lực của HS. 

Về công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS, lựa chọn học nghề phổ thông của HS, Bộ GD&ĐT cho biết: Để tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong GDPT, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng HS sau THCS và THPT, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp sau: 

Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong GDPT; bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông; huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng HS phổ thông; tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng HS phổ thông.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương trong việc triển khai đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp nhằm nâng cao chất lượng GDPT và định hướng phân luồng HS ngày càng hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ