Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh: Sao cho vẹn đôi đường

GD&TĐ - Chú trọng đánh giá quá trình; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và cho điểm với hầu hết các môn học là một trong những điểm mới tại quy định đánh giá, xếp loại HS trung học. Để triển khai hiệu quả nội dung này, trước hết giáo viên cần thay đổi nhận thức, quán triệt mục tiêu: Đánh giá vì sự tiến bộ của người học.

Thông tư 26 không khống chế số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên, vì tinh thần xuyên suốt của quy định mới là đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Ảnh theo báo Tiền Phong
Thông tư 26 không khống chế số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên, vì tinh thần xuyên suốt của quy định mới là đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Ảnh theo báo Tiền Phong

3 yếu tố cần quan tâm

Thầy Nguyễn Khánh Chung - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội) cho rằng: Khi thực hiện đánh giá quá trình, nghĩa là không còn chỉ tập trung vào kết quả bài kiểm tra của học sinh mà cần quan tâm đến 3 yếu tố: Kiến thức, kỹ năng và thái độ môn học. 

Để thực hiện tốt việc đánh giá quá trình, ngườii giáo viên cần theo dõi sự tiến bộ về mức độ tiếp thu và thể hiện kiến thức của học sinh, mức độ thành thạo về các kỹ năng theo thời gian học tập, sự chuyển biến tích cực về thái độ với môn học. Giáo viên cần kết hợp phân tích từ kết quả thể hiện trên bài kiểm tra đến thể hiện của học sinh trong giờ học, xác định những điểm mạnh, điểm yếu về 3 yếu tố trên, từ đó hướng dẫn, động viên tạo động lực cho học sinh. 

Điểm mấu chốt trong đánh giá quá trình là coi trọng sự tiến bộ của học sinh trong lần đánh giá hiện tại so với đánh giá trước, chứ không so sánh kết quả bài kiểm tra của học sinh này so với kết quả của học sinh khác. Thầy cô cũng thường xuyên nhận xét riêng cho học sinh thấy được sự chuyển biến trong học tập của môn học như thế nào, đưa ra những lời khen về sự tiến bộ ở từng yếu tố để động viên và tạo động lực cho học sinh, đồng thời giúp các em nhận thấy những điểm cần tập trung để cải thiện kết quả học tập.

Với việc đánh giá quá trình, người giáo viên sẽ nhìn nhận sự tiến bộ của một học sinh với bức tranh tổng thể và hướng trọng tâm vào các giải pháp hỗ trợ cá nhân học sinh đó. Công việc này đòi hỏi người giáo viên cần quan sát và tỉ mỉ hơn, vất vả hơn nhưng đổi lại, việc đánh giá sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho người học.

Với đánh giá kết hợp nhận xét và cho điểm, theo thầy Nguyễn Khánh Chung, lời phê trong mỗi bài kiểm tra của học sinh nên đầy đủ hơn, chỉ rõ để các con thấy được cần cố gắng, nỗ lực ở điểm nào, nội dung nào nhằm đạt kết quả cao hơn. Động viên bằng ngôn ngữ tích cực để tạo động lực và khích lệ với những tiến bộ học sinh đạt được so với lần đánh giá trước. Giáo viên cho học sinh điểm thưởng về thái độ tích cực và sự tiến bộ trong môn học.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 26 là việc tăng cường khen thưởng toàn diện hoặc theo lĩnh vực nhằm khích lệ, động viên học sinh học tập và rèn luyện. Ảnh: Thế Đại
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 26 là việc tăng cường khen thưởng toàn diện hoặc theo lĩnh vực nhằm khích lệ, động viên học sinh học tập và rèn luyện. Ảnh: Thế Đại

Phải xuất phát từ “tâm” 

Thầy Nguyễn Quang Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hưng Hóa, tỉnh Phú Thọ cho biết, để triển khai thực hiện tốt đánh giá quá trình, đặc biệt là đánh giá bằng nhận xét các môn học, trước hết, tổ, nhóm chuyên môn phải nghiên cứu thật kỹ Thông tư 26. Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Tham gia tập huấn, trao đổi trong nhóm chuyên môn về việc xây dựng đề kiểm tra. Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông. Đánh giá toàn diện, các tiêu chí đặt ra liên quan đến kiến thức, kĩ năng, thái độ. Trong hoạt động dạy học, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên, phụ huynh, HS để theo dõi quá trình học tập và sự tiến bộ của HS, bảo đảm đánh giá được cả quá trình học tập của các em.

“Điều quan trọng, kiểm tra, đánh giá dưới bất kỳ hình thức nào vẫn phải xuất phát trực tiếp từ cái “tâm” của người thầy: Phải công tâm, khách quan, trách nhiệm khi đánh giá. Đồng thời, các nhà quản lý giáo dục cần tăng cường kiểm tra tổ chức thực hiện sẽ rất hiệu quả và đánh giá thực chất; bảo đảm công bằng trong giáo dục”,  thầy Thanh nêu quan điểm.

Cũng về nội dung này, TS Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh, Hoài Đức, Hà Nội, cho rằng: Giống như ở tiểu học, khi giáo viên thực hiện việc đánh giá thường xuyên, định kỳ bằng nhiều hình thức sẽ sát với năng lực HS hơn. Trong thực tế, mỗi HS có mặt mạnh, yếu và sự tiến bộ khác nhau. Việc đánh giá, nhận xét trực tiếp từng nội dung kiến thức cụ thể, không theo ba-rem chung, sẽ kích thích được sự sáng tạo, giúp HS phấn khởi, tự tin và cố gắng trong học tập, đồng thời giúp giáo viên điều chỉnh kịp thời bài dạy của mình cho phù hợp. HS học đến đâu thì đánh giá đến đó, đánh giá qua thái độ học tập, vấn đáp, thực hành và qua các sản phẩm học tập cụ thể. Việc này hỗ trợ giáo viên nắm bắt được sự tiến bộ và năng lực thực sự của từng HS.  

Đối với môn Ngữ văn hoặc Tiếng Anh, theo TS Nguyễn Thị Thành, giáo viên có thể vận dụng để giao các bài tập theo nhiều hình thức khác nhau trong thực tiễn cuộc sống như: Viết blog, bài truyền thông, báo tường, nhật kí, Facebook, thông báo… Hình thức hỏi vấn đáp về các kiến thức  đã được học sẽ giúp các em hiểu sâu hơn, rèn luyện khả năng hùng biện, tranh luận về những gì đã được học, biến kiến thức trong sách thành kiến thức của bản thân. Giáo viên cũng có thể tạo sự hứng thú học tập cho HS bằng cách cho kiểm tra nhiều lần thông qua việc hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm... HS được chọn bài có điểm cao nhất, hoặc điểm trung bình của các lần kiểm tra để tính điểm đánh giá thường xuyên.

Theo quy định mới, việc đánh giá coi trọng cả quá trình học tập, thầy cô có thể có nhiều bài kiểm tra, đánh giá với các hình thức phong phú (nhiều hơn so với đầu điểm quy định), từ kết quả bài kiểm tra đó, thầy cô lựa chọn đầu điểm phù hợp với sự chuyển biến trong quá trình học tập học sinh. - Thầy Nguyễn Khánh Chung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.