Chủ tịch Tân Hoàng Minh chỉ đạo sửa báo cáo, lập giá trị 'ảo' để 'lùa gà'

GD&TĐ - Theo hồ sơ, tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 'khó khăn về tài chính'...

Trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh thời điểm bị cơ quan công an khám xét (tháng 4/2022).
Trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh thời điểm bị cơ quan công an khám xét (tháng 4/2022).

Bị can Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tân Hoàng Minh) và bị can Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh) đã chỉ đạo cấp dưới sửa báo cáo tài chính, chạy dòng tiền “khống”, lập giá trị “ảo” nhằm dẫn dụ nhà đầu tư... chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng.

Bố giao quyền cho con

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 8.600 tỷ đồng xảy ra ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Số bị hại lên đến 6.630 người, là các nhà đầu tư đã mua trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành.

Trong đó, ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và con trai Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điểm a, Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, còn có 13 bị can khác bị truy tố cùng tội danh trên.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên “khó khăn về tài chính”. Tập đoàn này có dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ đồng. Chỉ 6 tháng sau, vào tháng 1/2022, Tân Hoàng Minh tăng dư nợ lên gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ đến từ 8 gói trái phiếu đã phát hành năm 2021.

Để có tiền chi cho bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư và thanh toán các khoản nợ của tập đoàn, Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính) tìm phương án, cách thức huy động vốn cho tập đoàn.

Cụ thể, triển khai phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn. Các bị can thống nhất Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời. Thay vào đó, 3 công ty con thuộc tập đoàn sẽ bán trái phiếu riêng lẻ gồm: Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông.

Do 3 công ty này không đủ điều kiện phát hành trái phiếu nên Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo Phùng Thế Tính (nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán của Tân Hoàng Minh) nghiên cứu chỉnh sửa báo cáo tài chính của 3 công ty theo hướng không đúng với thực tế.

Tính đã chỉ đạo kế toán viên chỉnh sửa báo cáo tài chính về các chỉ tiêu tài chính, khoản nợ, ghi nhận lãi “khống”, loại bỏ các công ty con và công ty liên kết để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Bị can Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt. Ảnh: CA

Bị can Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt. Ảnh: CA

Lập khống hồ sơ

Theo cáo trạng, trước mỗi lần phát hành trái phiếu, Đỗ Hoàng Việt đều báo cáo và được sự thống nhất của Đỗ Anh Dũng để chỉ đạo cấp dưới hợp thức báo cáo tài chính, chạy dòng tiền “khống” để tạo lập giá trị “ảo” của trái phiếu, hợp thức thanh toán hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu sơ cấp và phương án phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó là các hành vi tạo dựng hồ sơ, phương án phát hành “khống” giữa nội bộ các công ty, cá nhân trong Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Ngoài ra, các bị can sử dụng tài sản của chính các hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng thương hiệu Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư, với tổng số tiền là 8.643 tỷ đồng.

Cáo trạng cho thấy, bị can Đỗ Anh Dũng cùng các đồng phạm sử dụng tiền chiếm đoạt vào các mục đích sau: Lấy tiền của người sau trả cho người trước, trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng, thanh toán tiền mua cổ phần, dự án, đặt cọc, thanh toán các chi phí của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, chuyển tiền sử dụng các mục đích cá nhân của Đỗ Anh Dũng...

Hậu quả của vụ án được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả điều tra xác định, 9 gói trái phiếu có kỳ hạn 2 năm đến 5 năm nhưng các bị can thuộc Tân Hoàng Minh đã chia nhỏ kỳ hạn đến tuần, đến tháng để bán trái phiếu và dùng tiền từ chính nguồn thu trái phiếu của người đến sau để trả cho người đến trước (khoảng 5.100 tỷ đồng). Thực chất là thủ đoạn của các bị can để thu hút người mua các gói trái phiếu phát hành tiếp theo.

Cơ quan bảo vệ pháp luật cũng xác định, các cá nhân thuộc Ngân hàng Vietcombank cũng như SHB, Vietinbank “không có dấu hiệu thông đồng, thỏa thuận với các tổ chức phát hành trái phiếu, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư”, do vậy, không bị xử lý hình sự.

Trong vụ án này, bị can Đỗ Anh Dũng là người có trách nhiệm, vai trò chính nhưng phía điều tra ghi nhận người này có nhiều tình tiết giảm nhẹ như tham gia hoạt động từ thiện. Đồng thời, nhận nhiều bằng khen của các cơ quan Trung ương và đặc biệt là ông Dũng tích cực khắc phục hậu quả vụ án.

Sở hữu nhiều dự án “đình đám”

Khu “đất kim cương” 22-24 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đối diện Tràng Tiền Plaza với diện tích 4.000 m2 từng được Tân Hoàng Minh đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Khu đất dự án này có giá đền bù thuộc hàng cao nhất Hà Nội, một số vị trí lên tới 1 tỷ đồng/m2. Tân Hoàng Minh dành 7 năm để có thể nhận được giấy phép quy hoạch cho dự án. Cuối cùng, Tân Hoàng Minh sang tay cho Masterise Homes để triển khai dự án bất động sản “hàng hiệu”.

Dự án D’.Palais De Louis (số 6 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009. D’.Palais De Louis cao 27 tầng và 4 tầng hầm, được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích 4.791 m2 với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Dự án D’.Le Roi Soleil tọa lạc tại số 59 Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội) của Tân Hoàng Minh cũng được biết đến là dự án định vị ở phân khúc cao cấp, là tổ hợp công trình dịch vụ công cộng, thương mại.

Dự án nằm tại vị trí đẹp nhất trên bán đảo Quảng An. Được biết, dự án D’.Le Roi Soleil - Quảng An xây dựng trên diện tích là 4.046 m2, tương đương với mật độ 44%. Quy mô gồm hai tòa tháp căn hộ cao 25 tầng, một tòa tháp dịch vụ 8 tầng và 5 tầng hầm để xe, tổng số 498 căn hộ. Giá trên thị trường rao bán căn tại dự án này từ 80 - 100 triệu đồng/m2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.