Chủ tịch Quốc hội: Người đứng đầu ngành GD-ĐT đã trả lời kỹ lưỡng vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

GD&TĐ - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với cương vị đứng đầu ngành GD&ĐT không lâu, nhưng tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quang Khánh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quang Khánh

Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề liên quan đến Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đại dịch Covid – 19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học, mà còn có thể làm chậm tiến trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng đã đề ra.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vì vậy thu hút được sự quan tâm không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà còn cả chục triệu học sinh, bậc cha mẹ học sinh trên cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với cương vị đứng đầu ngành GD&ĐT không lâu nhưng tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách, trả lời kỹ lưỡng các ý kiến mà đại biểu quan tâm.

Phiên chất vấn đề cập nhiều vấn đề nóng liên quan đến việc phòng chống dịch, đảm bảo chất lượng dạy và học. Bên cạnh vấn đề liên quan đến chất lượng dạy và học, các vị đại biểu rất quan tâm tới yếu tố dạy người, kỹ năng sống, nhân cách làm người để góp phần phát huy và duy trì đạo đức xã hội với thế hệ tương lai của đất nước.

Công tác dạy và học trực tuyến cần đảm bảo dạy và học hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận giữa các vùng miền, thu hẹp khoảng cách về giáo dục, công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh sinh viên có thể trở lại trường, phương án tổ chức thi THPT trong bối cảnh dịch bệnh,…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã báo cáo, giải trình thêm về việc thực hiện Nghị quyết 19 đổi mới sắp xếp, nâng cao hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập GD&ĐT cũng như nội dung liên quan đến chủ trương dạy và học trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trả lời, làm rõ thực trạng, khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đối với những vấn đề thuộc chủ đề chất vấn đặt ra có chia theo từng cấp học như Giáo dục mầm non, phổ thông, đại học.

Các vị đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần phân tích đánh giá kỹ hơn, sâu sắc toàn diện hơn những ảnh hưởng tác động nặng nề của dịch bệnh đối với Giáo dục và Đào tạo để nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành của Bộ thích ứng trong tình hình mới.

Đồng thời xây dựng và thực thi chiến lược chương trình tổng thể thích ứng linh hoạt kiểm soát an toàn hiệu quả với dịch bệnh; chương trình Sách giáo khoa theo hướng giảm tải chương trình cho học sinh; đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị cho việc dạy và học trực tuyến; phối hợp với các cấp, địa phương đảm bảo công tác an toàn trường học.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương nghiên cứu và sớm triển khai chương trình tiêm chủng cho học sinh. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để sớm đưa học sinh trở lại trường. Có kế hoạch lộ trình để học sinh sinh viên trở lại trường học tập trung. Đồng thời, đúc rút kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT và ĐH - CĐ năm 2021; sớm hoàn thiện tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2022.

Tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ GD&ĐT, địa phương, cơ sở giáo dục trong đào tạo, tuyển sinh, tổ chức thi. Tiếp tục quan tâm giải quyết các vướng mắc, nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách phối hợp với các bộ ngành, cân đối bố trí kinh phí thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và chương trình mục tiêu Quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.

Sớm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục ra soát đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập cả về đầu mối, trường lớp, số lượng, chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý theo tinh thần nghị quyết 19 Trung ương và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị gắn với đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính. Lưu ý việc mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe đối với các trường Đại học đa ngành, đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách với người sử dụng lao động, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập do bị tác động bởi đại dịch Covid -19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.