Chương trình do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với tỉnh Hưng Yên, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam tổ chức.
Dự lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Lê Hữu Trác, tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 27/12/1724. Thân phụ là Thị lang Bộ Công, Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, người làng Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng, người làng Bàu Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, nổi tiếng thông minh, hiếu học, văn võ song toàn, Hải Thượng Lãn Ông nuôi hoài bão đem tài năng phục vụ triều đình, tuy nhiên trước sự rối ren của xã hội phong kiến thời Lê - Trịnh, ông đã rời xa Kinh thành Thăng Long về quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh chuyên tâm với nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người.
Với trí tuệ uyên bác, tình yêu thương con người sâu sắc, Hải Thượng Lãn Ông đã dành trọn cuộc đời tìm tòi, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, nâng tầm lý luận về y đức, y lý, y thuật và dược học, “dựng ngọn cờ đỏ thắm cho nền y học nước nhà”, đưa nền y học Việt Nam tiếp cận với nền y học thế giới.
Cùng với trị bệnh, viết sách, ông mở trường đào tạo, thành lập Hội Y để kết nối các thầy thuốc giỏi.
Năm Nhâm Dần 1782, Chúa Trịnh triệu ông vào cung để chữa bệnh cho hoàng tộc. Trong thời gian ở kinh thành, Đại danh y có thêm cơ hội để giao lưu, đàm luận văn chương, trau dồi nghề nghiệp, viết sách. Nhiều tác phẩm là nguồn tư liệu có giá trị quý về y học, lịch sử, văn hóa ... của ông đã được ra đời trong giai đoạn này trong đó có tác phẩm Thượng Kinh ký sự.
Hải Thượng Lãn Ông qua đời vào năm Tân Hợi 1791, hưởng thọ 67 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng về lao động, học tập, sáng tạo, về y đức, trí tuệ, nhân nghĩa, và tinh thần cống hiến.
"Sự kiện Tổ chức UNESCO vinh danh, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Khu mộ, Khu lưu niệm Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn là Di tích Quốc gia đặc biệt và Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y hôm nay chính là sự khẳng định về tầm vóc, sức ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực y học, giáo dục, văn hóa, xã hội đối với toàn cầu. Vinh dự là quê hương của Đại danh y, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hưng Yên đã đoàn kết, nỗ lực, giành kết quả toàn diện trên các lĩnh vực", Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã trao Nghị quyết Vinh danh của UNESCO cho tỉnh Hà Tĩnh. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác cho tỉnh Hà Tĩnh.
Tại lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt có tên gọi “Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông”, nhằm tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác giai đoạn từ sau khi ông rời đất Thăng Long trở về Hương Sơn (Hà Tĩnh) để chăm sóc mẹ già.
Các tiết mục, hoạt cảnh tại chương trình nghệ thuật đã góp phần làm rõ cơ duyên đến với nghề thuốc, nhân cách đạo đức nghề y, lý do dấn thân vào con đường chữa bệnh cứu người, hoàn cảnh ra đời của những tác phẩm giá trị của Đại danh y; đồng thời khắc họa hình tượng Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông với tài năng, nhân cách lỗi lạc...
Ngay sau chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa với số lượng 500 quả pháo hoa tầm cao và 90 giàn pháo hoa tầm thấp.