Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Thái Nguyên

Trong hai ngày 6-7/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã về kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng; tình hình phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Thái Nguyên
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhà máy điện tử Samsung – Thái Nguyên (SEVT). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Báo cáo Chủ tịch nước về kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên, đại diện các sở, ngành tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh phát huy những thế mạnh, giảm bớt khó khăn, thách thức; tạo điều kiện cho tỉnh phát triển hạ tầng, giao thông, trở thành một trong những trung tâm vùng về kinh tế, y tế, đào tạo; tăng cường bố trí nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; giúp Thái Nguyên phát huy giá trị các di tích lịch sử trong vùng ATK; hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp.

Lắng nghe đề xuất của các lãnh đạo các bộ, ngành về các nhóm giải pháp giúp Thái Nguyên tiếp tục phát triển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao tỉnh Thái Nguyên trong 5 năm qua đã có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 13%; cơ cấu kinh tế năm 2015: công nghiệp-xây dựng 49%; dịch vụ 34%; nông-lâm-thủy sản đạt 16,9%.

Thái Nguyên cũng là địa phương đạt thu ngân sách bình quân hàng năm tăng 20%; giải quyết việc làm mới cho khoảng 23.300 lao động/năm; ổn định độ che phủ rừng trên 50%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tỉnh triển khai tích cực, thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn theo hướng hiện đại văn minh. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện.

Với 720 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn tỉnh đã tổ chức xong Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, nhìn chung công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp của tỉnh đã làm chu đáo cả về nội dung văn kiện và công tác nhân sự. Kết quả bầu cử cấp ủy cơ bản đảm bảo về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và chất lượng.

Qua phân tích nhận định tình hình thực tế, Chủ tịch nước cho rằng, Thái Nguyên đã duy trì thành quả trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng được một số thương hiệu mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống. Chủ tịch nước cũng lưu ý, hiện nay đã có dấu hiệu cho thấy nguồn vốn của tư nhân, đầu tư nước ngoài đang hướng vào lĩnh vực nông nghiệp. Thái Nguyên cần sớm nắm bắt cơ hội này.

Ghi nhận Thái Nguyên đã có những chấn chỉnh trong quản lý đất đai, hạn chế ô nhiễm môi trường, Chủ tịch nước biểu dương tỉnh đã làm tốt công tác thu hút đầu tư, tăng giá trị xuất khẩu, tạo chuyển biến về hạ tầng giao thông, giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp dịch vụ trên địa bàn.

Chủ tịch nước cho rằng, trong quá khứ, Thái Nguyên đã định hình được diện mạo của một trung tâm công nghiệp khai thác khoáng sản, luyện kim, cơ khí, chế tạo máy. Với những thành công như hiện tại, Thái Nguyên cần rà soát lại một số lĩnh vực đột phá, không nên thỏa mãn, cần tìm ra hướng đi mới. Với những khu vực còn nhiều dư địa chưa khai thác hết, tỉnh cần tính toán để tận dụng những chế phẩm sẵn có để hình thành công nghiệp nguyên liệu; phát triển một số lĩnh vực công nghiệp đầu ngành, công nghiệp phụ trợ.

Chủ tịch nước gợi mở, với hệ thống các đại học, cao đẳng, trung học hiện có trên địa bàn, Thái Nguyên hội tụ nhiều điều kiện để phát triển thành trung tâm giáo dục đào tạo lớn của vùng. Là trung tâm An toàn khu thời kháng chiến của cả nước, có nhiều di tích lịch sử cách mạng, Thái Nguyên cũng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch "về nguồn." 

Chắc chắn 5 năm tới, với việc cải thiện năng lực cạnh tranh, Thái Nguyên sẽ đứng trước ngưỡng cửa hình thành một trung tâm công nghiệp ở trình độ cao hơn. Tuy nhiên để bước qua được ngưỡng cửa đó đòi hỏi sự quyết tâm cao, tư duy đúng và hành động nhanh của đội ngũ lãnh đạo.

Trong hai ngày thăm và làm việc tại Thái Nguyên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và kiểm tra tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện tử Samsung - Thái Nguyên. Là một trong 9 đơn vị sản xuất thiết bị di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, Nhà máy điện tử Samsung được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013.

Trong sáu tháng đầu năm 2015, Nhà máy sản xuất hơn 10 triệu sản phẩm linh kiện điện thoại di động, đạt doanh thu xuất khẩu 6,2 tỷ USD, tạo việc làm cho 57.000 lao động.

Tham quan dây chuyền nhà máy, hỏi thăm tình hình lao động, cuộc sống của công nhân, Chủ tịch nước đã nghe lãnh đạo công ty báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Phát biểu tại lễ trao Huân chương Hữu nghị cho ông Yoo Young Bok, Tổng Giám đốc Samsung - Thái Nguyên với những đóng góp cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Chủ tịch nước đánh giá cao tiến độ triển khai nhanh của dự án.

Chủ tịch nước tin tưởng trong tương lai gần, cùng với các dự án tại Thái Nguyên, Tập đoàn Samsung sẽ ngày càng thành công tại các dự án ở nước ngoài.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Việt-Hàn, Chủ tịch nước cho rằng hiệp định FTA giữa hai nước vừa được ký kết sẽ mở ra cơ hội thuận lợi cho cả hai bên.

Chủ tịch nước mong muốn Samsung giúp Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, đồng thời về phía các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, ban hành quy định về phát triển công nghiệp phụ trợ để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Samsung.

Tại Thái Nguyên, Chủ tịch nước đã đến thăm và tìm hiểu đời sống của bà con xã La Bằng, huyện Đại Từ. Là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên vào năm 1936, La Bằng đã có những bước bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới.

Từ xuất phát điểm đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 20% năm 2009, cơ sở hạ tầng kém phát triển, sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trong xã, La Bằng đã từng bước chuyển mình mạnh mẽ. 

Xã đã phát huy thế mạnh của kinh tế hộ gia đình: trồng chè theo tiêu chuẩn Vietgap, xây dựng mô hình nuôi cá nước lạnh… góp phần nâng cao thu nhập cho bà con đạt 33 triệu đồng/người. Năm 2014, La Bằng đã đạt 19 tiêu chí trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của La Bằng chỉ còn hơn 2%, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường trường trạm đã từng bước hoàn thiện.

Trực tiếp khảo sát tại một số mô hình sản xuất chè sạch và nuôi cá tầm của nông dân La Bằng, Chủ tịch nước đánh giá cao sự đoàn kết đồng lòng và cách làm sáng tạo của chính quyền và bà con.

Nhấn mạnh những thành quả đạt được rất đáng ghi nhận, Chủ tịch cho rằng điều quan trọng đây không phải điểm kết thúc mà khởi đầu của một giai đoạn mới. Chủ tịch nước chỉ rõ, thời gian tới, huyện Đại Từ cần phát huy thế mạnh của địa phương, trong đó có thương hiệu chè La Bằng bắt đầu có được thị trường, đồng thời phát triển kinh tế vườn, gắn ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm thêm ngành nghề mới.

Kiểm tra Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo do Công ty trách nhiệm hữu hạn Tinh luyện Vonfram Núi Pháo liên doanh với Tập đoàn Công nghệ cao hàng đầu thế giới H.C Starck (Đức) thực hiện, Chủ tịch nước hoan nghênh công ty đã triển khai nhanh chóng và có hiệu quả dự án sau khi tái cấu trúc, mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài năm 2010.

Chủ tịch nước lưu ý Công ty trách nhiệm hữu hạn Tinh luyện Vonfram Núi Pháo cần khẩn trương áp dụng công nghệ mới, đưa mức tinh luyện lên cấp độ cao hơn, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, giảm thiểu lãng phí tài nguyên, đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm nguồn nước, hoàn thổ ngay sau khai thác.

Chủ tịch nước đề nghị chính quyền địa phương và công ty cần quan tâm công tác an sinh xã hội, nhất là quan tâm người dân tái định cư, nhường đất cho dự án có cuộc sống tốt hơn trước.

Theo vietnamplus

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ