Chủ tịch Hội văn học Goncourt Didier Decoin: Viết văn là thú vui đắt tiền

Chủ tịch Hội văn học Goncourt Didier Decoin: Viết văn là thú vui đắt tiền

Phóng viên báo “Tin tức” của Nga Yury Kovalenko đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh vấn đề “nghề viết văn”.

- Trên cương vị Chủ tịch "Goncourt", ông thấy sứ mệnh của mình là gì?

Nhà văn Didier Decoin: Có thể có hai sứ mệnh. Thứ nhất, làm tất cả để giải Goncourt giữ được uy tín của mình. Thứ hai, mở rộng giải ra các quốc gia khác, nơi nhiều người biết tiếng Pháp. Tạo điều kiện cho độc giả các nước này lựa chọn người đoạt giải của mình do chúng tôi đề cử. 

Đồng thời chúng tôi khích lệ sự quan tâm đối với văn học đương đại của chúng tôi bên ngoài nước Pháp, nơi người ta thường chỉ biết các tác giả cổ điển - Hugo, Balzac, Flaubert. Hiện nay, Goncout "ngoại" đang được trao ở 20 nước.

- Tạp chí văn học uy tín "Lire" từng nhận xét: "Giải Goncourt hiếm khi được trao cho cuốn sách hay nhất của năm". Điều này có làm ông phật lòng?

Điều đó có phần đúng. Chúng tôi trao giải cho cuốn sách mình yêu thích. Để tìm cuốn sách đó, 10 thành viên của giải Goncourt bắt đầu tra cứu thông tin của 100 cuốn sách vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 9.

Chúng tôi phải đọc quá nhiều, nhưng bao giờ cũng tìm được cuốn sách hay nhất. Chúng tôi không quan tâm nó có còn lại trong lịch sử hay không. 

"Giải Goncourt là gì? Không nhất thiết phải là cuốn sách hay nhất của năm. Đó là cuốn sách Hic et nunc, nghĩa là "ở đây và bây giờ" (tiếng Latinh), nó phản ánh các vấn đề hôm nay của đất nước". Rất có thể, 10 năm tới, người Pháp sẽ quan tâm những vấn đề hoàn toàn khác.

Chủ tịch Hội văn học Goncourt Didier Decoin: Viết văn là thú vui đắt tiền ảnh 1
Edmon de Goncourt (trái) và em trai.

- Ông đoạt giải Goncourt năm 1977 với cuốn "John l’Enfer". Giải thưởng đã thay đổi gì trong cuộc sống của ông?

Tất tần tật. Trước đó, tôi là một nhà văn vô danh, không xu dính túi. Với giải thưởng, cuộc sống đã trở nên hoàn toàn khác. Dường như xuất hiện một thầy phù thủy với cây đũa thần trong tay thực hiện những mong ước của tôi. 

Trước kia, tôi mơ ước làm phim không thành. Sau giải thưởng, tôi được mọi người chào đón. Khi tôi muốn dàn dựng một vở kịch, ngay lập tức giám đốc nhà hát xuất hiện và sẵn sàng giúp đỡ.

Nhưng phép lạ chỉ có hiệu lực trong vòng một năm. Sau đó, xuất hiện một người may mắn mới, và bạn có thể bị lãng quên. Vì vậy, bạn cần tận dụng thời cơ của mình. Có những tác giả bị giải Goncourt làm hại. Họ không biết phải làm gì tiếp theo. 

Chóng mặt vì thành công cũng nguy hiểm như uống vodka quá độ. Không nên vênh mặt tự cao làm ra vẻ ta đây là nhà văn lớn! Cần phải tỏ ra khiêm tốn. Một năm trôi qua rất nhanh và bạn sẽ trở thành "cựu vương".

- Pháp là quốc gia rất giàu giải thưởng văn học, ước tính khoảng 1.500 giải. Thế kỷ này đặc biệt bội thu giải thưởng. Có nhà văn Pháp nào chưa một lần trong đời được nhận giải thưởng không?

Thật vậy, người Pháp không thờ ơ với các loại huân, huy chương và các danh hiệu khác. Hơn nữa, tất cả những người đoạt giải đều hết sức hài lòng. 

Tất nhiên, một khi có quá nhiều giải thưởng, chắc chắn chúng bị mất giá. Tuy nhiên, một số giải thưởng vẫn được đánh giá cao như xưa - Goncourt, Femina, Renaudot, giải của Viện Hàn lâm Pháp.

- Theo ông, nhà văn là thiên chức hay nghề nghiệp?

Nhà văn là một thiên chức, nhưng cần được thực hiện như một nghề. Là người có tài năng, bạn phải làm việc như một thợ thủ công. Giống như thợ thủ công, bạn phải vươn tới sự hoàn thiện.

- Tại sao ông khuyên các nhà văn trẻ đừng từ bỏ nghề nghiệp đầu tiên của mình?

Bởi vì rất khó hoặc không thể sống bằng sách. Khi viết một cuốn tiểu thuyết, tôi không tự hỏi liệu nó có bán được hay không? Sẽ có 50 hay 50.000 người đọc? Tôi viết những gì mình thích thú. 

Thành công thì tốt, không thành công cũng chẳng biết làm sao. Nhưng nếu cuốn sách không bán được, cần có những cách kiếm sống khác. Vì vậy, tôi luôn hỏi tác giả trẻ: "Bạn làm nghề gì?" Cần phải có một nghề khác - ví dụ, thợ làm bánh mì để nuôi sống bản thân và gia đình. 

Tôi có một công việc gần với văn học là viết kịch bản. Bố tôi là một nhà làm phim, từ nhỏ tôi đã gắn bó với thế giới điện ảnh. Nhưng trong điện ảnh, tôi là con người phụ thuộc, giống như diễn viên hay nhà quay phim. Bộ phim không phải của tôi, mà là của đạo diễn mà tôi phục vụ. Tôi tìm thấy tự do khi viết tiểu thuyết. Nó là con đẻ của tôi.

- Ông đã từng nói vui: Viết văn cũng tốn kém như nuôi một vũ nữ. Một so sánh táo bạo, tuy nhiên...

Sáng tác là một công việc tốn kém, khi bạn viết mà không được xuất bản, bạn không nhận được gì với lao động của mình. Không có gì bảo đảm chắc chắn rằng bạn sẽ được ban thưởng. 

Có một thời, những người đàn ông giàu có thường nuôi một vũ nữ ba lê - họ mua sắm quần áo, đồ trang sức, căn hộ sang trọng, tặng quà. Chỉ những nhà tư sản rất giàu có mới có thể làm được điều đó. Nói tóm lại, viết văn là một thú vui đắt tiền.

- Năm nay, ông tròn 75 tuổi. Nhìn lại cuộc đời mình, ông có cảm xúc gì?

Bây giờ, với tôi mọi chuyên không còn quan trọng nữa. Nhiều giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Không biết những gì tôi làm được có đáng kể không, nhưng tôi luôn là một người hạnh phúc. Tôi có một cuộc sống tuyệt vời, những đứa con đáng tự hào, người vợ yêu dấu, một chú mèo dễ thương. 

Không có gì tiếc nuối, ngoài một vài hối hận. Khó khăn nhất đối với tôi là trở thành nhà văn, vì tôi bắt đầu hoàn toàn từ số không. Nhưng tôi đã có thể làm một nghề khác - trở thành phi công hoặc thủy thù tàu viễn dương. Có lẽ, điều này đang chờ đợi tôi ở thế giới bên kia?

TheoIzvestia.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.