Đây là những chia sẻ tâm huyết được GS.TS Nguyễn Thị Doan gửi gắm tại lễ khai giảng khóa 3, Trường ĐH CMC - đơn vị bà là Chủ tịch danh dự Hội đồng trường.
Cần chọn cách đầu tư khôn ngoan
Vào ĐH, theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, các sinh viên chuyển qua giai đoạn đầu tư thứ 2 đầy thử thách vì đã thoát ly cơ bản sự giám sát của cha mẹ, toàn quyền sử dụng thời gian theo ý mình.
Ở giai đoạn đầu tư thứ 2, cuộc sống tự quản bắt đầu, thời gian linh động hơn, hoàn toàn dựa vào tự giác, tự học là chính. Đây là giai đoạn quyết định chỗ đứng của các bạn trong xã hội, trên thương trường, trong gia đình; hầu như sinh viên phải tự quyết định mọi vấn đề, không có chỉ dẫn của cha mẹ.
Từ đó, thông điệp đầu tiên GS.TS Nguyễn Thị Doan gửi tới các tân sinh viên: ĐH là một khoản đầu tư lớn cả về thời gian, tuổi trẻ, tiền bạc. Do đó, các em cần chọn cách đầu tư khôn ngoan để 4 năm ĐH không bị lãng phí; nếu không sẽ là đầu tư sai, lãng phí những năm đẹp nhất cuộc đời. Cần lựa chọn mục tiêu học tập cụ thể, rõ ràng cho từng năm học (đầu tư ngắn hạn) và cho cả quá trình 4 năm (đầu tư dài hạn).
Đặt ra mục tiêu dài hạn và quyết tâm thực hiện
Thông điệp 2, theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, phải đặt ra mục tiêu dài hạn và quyết tâm thực hiện chúng. “Giai đoạn này, học không có mục tiêu thì các bạn chỉ là những kẻ lang thang, không có mục đích trong cuộc đời”.
Để thực hiện mục tiêu, sinh viên cần thường xuyên tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội để khám phá những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để bổ sung ở học kỳ tiếp theo, điều chỉnh bản thân kịp thời để hoàn thiện bản thân.
Chấp nhận rủi ro, sẵn sàng học hỏi từ thất bại
Trong quá trình thực hiện mục tiêu dài hạn, các bạn có thể gặp các rủi ro: sức khỏe, gia đình, tài chính, kết quả học tập… Nhắc đến điều này, GS.TS Nguyễn Thị Doan chia sẻ thông điệp thứ 3, đó là: Cần chấp nhận rủi ro, sẵn sàng học hỏi từ thất bại và tạo ra các kỹ năng cần thiết để tạo năng lượng tích cực cho chính bản thân mình và cho mọi người xung quanh.
“Chưa có ai đầu tư mà không gặp rủi ro. Đầu tư cho học tập là khoản đầu tư bền vững nhất, nhưng cũng đòi hỏi sự quyết tâm cao nhất, quyết định sự thành công của cả cuộc đời. Bởi vì có những người không bằng cấp vẫn thành công, nhưng chưa từng có ai không học mà lại thành công cả. Học ở trường, học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi phương pháp”, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhắn nhủ.
Trang bị các kỹ năng, sự ứng biến linh hoạt
Thông điệp cuối cùng, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Thành công chỉ đến với ai ham học hỏi, cầu tiến bộ, có đam mê và có quyết tâm thực hiện mục tiêu, biến ước mơ thành hiện thực.
Hãy tận dụng sức mạnh của thời đại số. Bản thân các sinh viên đã là những con người của kỷ nguyên số, tắm mình trong công nghệ, học trong môi trường công nghệ. Hãy biến nó thành của mình bằng năng lực của mình để có thể quản lý được nó.
“Các bạn cần ghi nhớ: Doanh nghiệp (hoặc một tổ chức) không chuộng sinh viên chỉ có bằng giỏi mà họ chuộng sinh viên thạo kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, có khả năng ứng biến linh hoạt.
Xã hội chỉ thừa nhận người có năng lực. Điều này yêu cầu cả thầy và trò phải đổi mới phương pháp dạy học và học theo hướng phát triển năng lực và phương pháp tư duy, giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất, ít tốn kém nguồn lực nhất”.
Lưu ý điều này, với các tân sinh viên Trường ĐH CMC, GS.TS Nguyễn Thị Doan đưa lời khuyên cần sử dụng nguồn đầu tư, cách đầu tư có hiệu quả nhất; vì đây chính là giai đoạn giúp các em phát triển bền vững nhất trong những chục năm còn lại của cuộc đời.
Sau khi ra trường, kết thúc giai đoạn đầu tư này, các em có thể có việc làm tốt nhưng thu nhập chưa cao, vì phải làm việc để lấy kinh nghiệm. Sau đó hãy vận động liên tục để tìm cách tạo thêm giá trị bằng việc sử dụng các kỹ năng mềm để đem lại thu nhập cao hơn. Bởi, mức lương không chỉ phụ thuộc vào tấm bằng mà còn phụ thuộc vào giá trị sức lao động do mình tạo ra.