Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Viện Quản trị kinh doanh FSB thuộc Đại học FPT vừa tổ chức lễ tri ân giảng viên FSB năm 2016 có chủ đề “Hội tụ anh tài”.
Tại lễ tri ân giảng viên năm nay, Viện Quản trị Kinh doanh FSB đã dành 9 hạng mục để vinh danh các giảng viên tiêu biểu năm 2016, đã có nhiều đóng góp và được các học viên đánh giá cao.
Kết quả, từ ý kiến các cán bộ và trưng cầu đánh giá của học viên, giải thưởng Effective Professor 2016 dành cho giảng viên được đánh giá có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nhất đã thuộc về ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software), diễn giả, giảng viên các môn về Quản trị chiến lược, Lãnh đạo… trong các chương trình MiniMBA, MBA tại Viện FSB. Theo Viện Quản trị kinh doanh FSB, điểm trung bình các giờ giảng của ông Hoàng Nam Tiến là 4,47 điểm (thang điểm 5).
Trong năm ngoái, người đứng đầu FPT Software cũng giành danh hiệu giảng viên của năm, được trao giải thưởng Most Wanted Professor 2015 - Giảng viên được học viên mong chờ nhất.
Ông Hoàng Nam Tiến, sinh năm 1969, đã có 23 năm gắn bó với Tập đoàn FPT, kể từ khi tốt nghiệp ngành CNTT Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1993 cho đến nay.
Trong quá trình công tác, ông Tiến đảm trách nhiều cương vị: PGĐ Trung tâm phân phối máy tính FCD (1995 - 1996); Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh FPT Hà Nội (1996 - 2002); Ủy viên HĐQT Công ty FPT, TGĐ Công ty TNHH Phân phối FPT (2003 - 2008); Ủy viên HĐQT Công ty FPT, TGĐ Công ty TNHH phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc FPT, kiêm nhiệm TGĐ Công ty TNHH Bất động sản FPT (2007 - 2012); và đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch FPT Software từ năm 2012 đến nay.
Trong 5 năm làm Chủ tịch FPT Software, với tinh thần xông pha của một “chiến tướng”, ông Tiến đã dẫn dắt công ty lọt vào Top 100 nhà cung cấp dịch vụ outsourcing toàn cầu” với quân số hiện tại gần 10.000 người, trong đó có hơn 1.000 đang làm việc tại 19 văn phòng ở nước ngoài.
Những năm qua, FPT Software luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 30%. Đây là nền tảng vững chắc để công ty tiến tới mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu và 30.000 người vào năm 2020.
Mặc dù vô cùng bận rộn, mỗi năm dự gần 1.000 cuộc họp với hơn 100 chuyến bay nhưng ông Tiến vẫn nhận lời mời làm giảng viên Doanh nhân cho Viện FSB.
Luôn sẵn sàng trút cạn bầu kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế 30 năm hoạt động trên thương trường nhằm giúp học viên tích lũy tri thức, vững vàng hơn trên thương trường, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến là giảng viên được yêu thích của các chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh MBA, MiniMBA và những khóa nâng cao năng lực lãnh đạo cho doanh nhân trẻ tại FSB.
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến là giảng viên được yêu thích của các chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh MBA, MiniMBA và những khóa nâng cao năng lực lãnh đạo cho doanh nhân trẻ tại FSB.
Trao đổi với ICTnews, người đứng đầu FPT Software chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ, mình có may mắn, có điều kiện tiếp xúc, làm việc với những tập đoàn lớn nhất toàn cầu, những nhà lãnh đạo toàn cầu của họ... nên nếu không chia sẻ kinh nghiệm, bài học mình đã tích lũy được với các bạn doanh nhân Việt Nam thì thật có lỗi”.
Trong hơn 20 năm qua, từ khi còn làm lãnh đạo mảng phân phối của FPT cho đến những năm nhận trọng trách “chèo lái” FPT Software, ông Hoàng Nam Tiến đã có cơ hội tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như: IMB, Compaq, HP, Nokia, Samsung, Dell, Hitachi, Sony, BMW…
Nói thêm về lý do vẫn thường xuyên dành thời gian để tham gia giảng dạy cho học viên miniMBA, FeMBA của Viện FSB, ông Tiến cho biết:
“Đối với tôi, đi dạy cũng chính là đi học. Tôi học được nhiều thứ, từ việc phải hệ thống lại kiến thức, tìm hiểu những kiến thức mới để chuẩn bị bài giảng, đến việc kiểm nghiệm và xâu chuỗi lại những bài học thành công, thất bại của chính mình trên thương trường.Nếu không đi dạy thì chắc tôi chẳng có cơ hội thực hiện những điều đó.
Hơn nữa, tôi cũng học được từ chính những học viên của mình. Các học viên của chương trình Thạc sỹ quản trị Kinh doanh FeMBA của FSB hầu hết là các nhà quản trị doanh nghiệp trẻ đầy tinh thần dấn thân, cầu tiến.
Những vấn đề trong doanh nghiệp của họ đều là những bài học thực tế có giá trị, muôn màu muôn vẻ mà không một sách vở nào đề cập hết được. Những câu hỏi của họ luôn khiến tôi phải tư duy sâu sắc hơn với chính trải nghiệm của bản thân”.
Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Tiến, dạy học cũng là một truyền thống của gia đình và truyền thống đó đã ngấm vào ông một cách tự nhiên:
“Ba tôi ngoài thời gian dài cầm súng chiến đấu tại chiến trường thì ông còn là một nhà giáo, một người viết sách nghệ thuật quân sự. Có một câu nói của bác Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) rất ảnh hưởng đến tôi: “Nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo”.
Song thực sự, giảng dạy là công việc đầy áp lực. Đầu năm nay, tôi phải sắp xếp công việc để theo học khóa nghiên cứu sinh tại Nhật Bản để có thể theo đuổi công việc này lâu dài”.
Lý giải nguyên nhân ông thường chia sẻ với các học viên FSB những bài học thất bại hơn là kinh nghiệm thành công, ông Tiến cho hay, thành công thì rất khó học tái lập; thất bại thì chúng ta có thể học được để tránh.
“Những bài học thất bại tôi thường chia sẻ với các học viên là những quyết định đầu tư sai lầm của chúng tôi vào những ngành không phải là cốt lõi, không phải là thế mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp mình như bất động sản, ngân hàng, game online…
Những bài học tình huống (case study) này rất đặc thù với phương thức quản trị kiểu Việt, có lẽ các trường Tây sẽ không dạy các học viên được”, ông Hoàng Nam Tiến nói.
Vị giảng viên Doanh nhân của Viện FSB cũng cho biết, ngoài những giá trị về kiến thức, việc đi dạy còn mang lại cho ông nhiều giá trị về tinh thần, cảm xúc, đó là cảm xúc khi được chia sẻ với các bạn trẻ; là nguồn cảm hứng được đặt mình trong các thách thức của kiến thức rộng lớn và còn là sự thanh thản khi được sống trong môi trường sư phạm.
“Chính vì vậy, tôi đã xác định sẽ tiếp tục theo đuổi nghề giảng dạy ngay cả khi dừng công việc điều hành", ông Tiến chia sẻ.