Theo lời kể của gia đình, cách đây vài ngày, bé P.Đ.H.C (6 tuổi, ngụ TP.HCM) đã cầm chai keo xịt tóc đã hết keo để chơi. “Vì chai đã hết keo, ba mẹ chủ quan nghĩ không có gì nguy hiểm nên cũng lơ là không để ý.
Sau đó, bé xịt chai keo vào bếp than trước đó vừa nướng thịt xong khiến lửa bùng lên táp vào mặt và cả hai tay của bé”, người nhà bệnh nhi cho biết.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, bé C được người nhà nhanh chóng đưa vào BV Nhi đồng 1 TP.HCM cấp cứu.
BS Diệp Quế Trinh, Khoa Bỏng-Tạo hình của bệnh viện cho biết bé C nhập viện trong tình trạng bỏng nặng chủ yếu ở vùng mặt, vùng mặt sưng, tuột da, diện tích 7,5%, bỏng độ 2, độ 3.
Bệnh nhi đã được cấp cứu bằng các phương pháp rửa vết thương, dùng thuốc đắp vết thương hàng ngày, dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng.
Mặc dù bé chỉ bỏng ở mức độ trung bình nhưng có những vùng bị bỏng sâu đến mức độ 3, nguy cơ để lại sẹo xấu ở vùng mặt là rất lớn.
Hiện các BS đang tích cực điều trị cho bé. Ngay khi vết thương đã lành bé cần được hỗ trợ vật lý trị liệu, kem chống sẹo, laser trị liệu sẹo để hạn chế tối đa sẹo xấu ở vùng mặt.
Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 1-6 tuổi là lứa tuổi dễ gặp phải những tai nạn về bỏng. “Ở lứa tuổi này trẻ nhỏ hay hoạt động, nghịch, tò mò, muốn khám phá và chưa hiểu hết các điều nguy hiểm; đồng thời các động tác của tay chân chưa được điều chỉnh một cách thuần thục nên dễ xảy ra tai nạn”, các chuyên gia cho biết.
Những tai nạn bỏng trẻ thường gặp là:
1. Nồi nước, siêu nước, chậu nước, phích nước sôi vô ý đổ vào trẻ em. Ngã vào các chậu nước nóng sôi, nước gội đầu, nồi canh vừa nấu, nồi cháo, nồi cám lợn…
2. Ngã vào bếp lửa, nghịch lửa diêm, nghịch lửa nơi có xăng dầu.
3. Để đèn trong màn hoặc gần màn, trong lúc ngủ quên đổ đèn, lửa bén vào màn (thường bỏng cả mẹ lẫn con hoặc cả chị và em).
4. Để quạt điện trong màn, cánh quạt vướng vào màn, không quay được làm quạt cháy.
5. Chạy nghịch ngã vào các hố vôi tôi nóng.
Để phòng tránh các nguyên nhân gây bỏng cho trẻ em, các chuyên gia khuyến cáo
1. Trong gia đình cần bố trí hợp lý nơi để các đồ điện, chất sinh lửa, chất dễ cháy, nước sôi ở nơi an toàn, xa tầm tay của trẻ nhỏ.
2. Không để trẻ nghịch nước, tự vặn vòi nước nóng lạnh. Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ.
3. Để phòng ngừa các nguyên nhân gây bỏng từ vật dụng gia đình, cha mẹ nên lắp các thiết bị điện an toàn, ổ cắm có nặp đậy, hệ thống tự ngắt điện khi có sự cố về điện xảy ra.
4. Nghiêm cấm trẻ nghịch đồ điện, chạm vào phích cắm, ổ điện, dây điện, cột điện…
5. Bố trí vị trí bếp nấu hợp lý, các gia đình có bếp lò phải có vách ngăn, tránh không cho trẻ tới gần khi nấu ăn.
6. Đồ ăn khi mới nấu xong cần để xe tầm với của trẻ em.