Chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT từ 2025

GD&TĐ - Nhiều trường THPT đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi cho học sinh theo Chương trình mới...

Thầy trò Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Thầy trò Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều trường THPT đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, hướng tới đáp ứng tốt nhất nguyện vọng người học.

Điều chỉnh kế hoạch dạy học

Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), việc họp hội đồng giáo viên, triển khai nội dung liên quan đến phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 đã được tổ chức. Nhà trường đồng thời tiến hành tuyên truyền cho học sinh khối 11 hiểu rõ phương án thi, trang bị nhận thức đúng đắn và giúp các em chuyển động trong học tập.

Nhận định của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hoàng: Thi 4 môn sẽ giảm bớt chi phí của nhà trường, xã hội; giảm áp lực cho học sinh và lo lắng từ giáo viên khi giảng dạy chương trình mới; tạo điều kiện định hướng, lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai với người học. Nhà trường cũng tổ chức ôn tập thuận lợi hơn so với trước đây, khi có 6 môn với 4 bài thi.

“Tiếng Anh từ môn học bắt buộc trở thành tự chọn được nhiều giáo viên, học sinh ủng hộ bởi giảm bớt áp lực cho học sinh có học lực yếu, xem tiếng Anh là “gánh nặng”. Tuy nhiên, nếu vẫn dạy theo cách để đi thi thì học sinh sẽ xem nhẹ.

Vấn đề đặt ra là giáo viên phải đổi mới phương pháp để thu hút người học, khiến tiếng Anh trở nên thú vị, hấp dẫn. Vậy nên, kế hoạch dạy học của nhà trường tới đây phải chú ý vấn đề này. Trường THPT Nguyễn Huệ sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh khối 11 trong học kỳ II, nhằm phù hợp với năng lực học sinh và thực tiễn nhà trường”, thầy Nguyễn Văn Hoàng cho hay.

Thông tin từ thầy Đỗ Xuân Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhà trường đã phổ biến, tuyên truyền cho cán bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh biết chủ trương. Công tác dạy học về cơ bản không bị xáo trộn nhiều vì đầu năm lớp 10 học sinh đã lựa chọn môn học phù hợp sở thích, năng lực. Thầy cô giáo xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp thiên hướng lựa chọn các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội của các em.

Tương tự, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) tổ chức tuyên truyền về phương án thi đến toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh toàn trường. Theo thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh, đối với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, nhà trường xây dựng các chuyên đề học tập để tăng cường thời lượng ôn tập trong chương trình dạy học chính khoá.

Dự kiến, cuối năm học 2023 - 2024, trường cho học sinh lựa chọn môn thi tốt nghiệp, sau đó phân lớp theo năng lực để tổ chức ôn tập. Cùng đó, trong chương trình dạy học chính khoá, tăng cường các chuyên đề học tập theo các môn học sinh đã lựa chọn. Nhà trường đồng thời chú trọng tư vấn, định hướng kỹ giúp học sinh, cha mẹ hiểu để có lựa chọn chính xác, phù hợp năng lực, đặc điểm của trường.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Khảo sát nhu cầu để xếp lớp ôn tập

Trường THPT Nguyễn Huệ là một trong những cơ sở giáo dục sớm tổ chức khảo sát cho học sinh đăng ký nguyện vọng dự kiến sẽ thi tốt nghiệp vào năm 2025. Kết quả, lựa chọn của học sinh chủ yếu thiên về nhóm môn Khoa học xã hội, lần lượt là: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử. Trong đó cặp môn Địa lý, Giáo dục Kinh tế và pháp luật chiếm số lượng đông nhất. Ở nhóm môn Khoa học tự nhiên, cặp môn được lựa chọn nhiều là Vật lý và Hóa học. Các môn khác đều có sự lựa chọn nhưng ít.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hoàng cho biết, qua kết quả thăm dò ý kiến học sinh, tới đây có thể nhà trường phải sắp xếp lại lớp học. Việc xếp lớp gặp khó khăn nhất định, nhất là đáp ứng nguyện vọng của số ít học sinh vào môn học nào đó.

Đặc biệt, sắp xếp lại lớp có nhóm môn học khác nhau rất khó khăn. Nhà trường đồng thời tiếp tục làm công tác tư vấn định hướng, giúp học sinh vừa học tập, ôn tập thi đạt kết quả cao nhất, vừa phù hợp với định hướng nghề nghiệp; tránh tâm lý chỉ tập trung vào các môn thi xét tốt nghiệp, đại học sẽ dẫn đến học tủ học lệch.

Trường THPT Nguyễn Văn Cừ đang tiến hành khảo sát, cho học sinh lựa chọn môn thi. Thầy Đỗ Xuân Quỳnh chia sẻ, nhìn chung học sinh lựa chọn theo định hướng khối thi đại học là chính và lựa chọn thêm một môn để thi tốt nghiệp. Chẳng hạn, ngoài hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, học sinh lớp tự nhiên có xu hướng chọn môn Vật lý, Hoá học để thi khối A hoặc chọn môn Vật lý, Tiếng Anh để thi khối A1. Các em lớp xã hội có xu hướng chọn môn Tiếng Anh và Lịch sử để thi được nhiều khối hơn.

“Việc cho học sinh lựa chọn các môn thi như phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có khó khăn trong tổ chức xếp lớp ôn tập. Bởi trong một lớp có nhiều lựa chọn môn học khác nhau. Nhưng về cơ bản nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp nhất đáp ứng nguyện vọng học sinh”, thầy Đỗ Xuân Quỳnh nhấn mạnh.

Với Trường THPT Tân Quới (Bình Tân, Vĩnh Long), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Phát thông tin sẽ tiến hành khảo sát lựa chọn môn thi của học sinh vào học kỳ II năm học này. Việc cho học sinh lựa chọn ảnh hưởng đến biên chế lớp được giao, nhà trường dự kiến linh động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; làm sao đáp ứng cao nhất nguyện vọng của người học. Dự kiến tháng 3/2024, Trường THPT Tân Quới tổ chức hội thảo về vấn đề này cho các trường trong khối.

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025, các trường THPT tại Bến Tre được yêu cầu thực hiện tốt kế hoạch giáo dục, sinh hoạt chuyên môn tại trường, nhất là công tác định hướng phân luồng học sinh. Tăng cường phối hợp gia đình và các đoàn thể để tuyên truyền về Chương trình GDPT 2018, cũng như phương án thi mới nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Về phía Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra việc dạy học tại các trường; tổ chức lớp tập huấn, hội thảo để đi đến thống nhất nội dung khó, còn ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, sở GD&ĐT chú trọng xây dựng kho học liệu chung cho ngành, kế hoạch trang bị thiết bị dạy học, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy học. - Ông Võ Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.