Dịch Covid-19 đã gây hậu quả nặng nề cho giáo dục và đào tạo, khi hơn một tỉ học sinh, sinh viên trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải nghỉ học kéo dài và chưa biết khi nào kết thúc.
Mỗi chúng ta đều nhận thấy, dịch Covid bùng phát là một diễn biến bất ngờ và bất khả kháng, nên cô Yến cho rằng, những khó khăn để ứng phó của Bộ GD&ĐT cũng là điều khó tránh khỏi và có thể chấp nhận được.
Hơn nữa, trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch chỉ đạo cụ thể như: điều chỉnh khung thời gian năm học, điều chỉnh nội dung chương trình hợp lí, chỉ đạo các sở giáo dục dạy học trực tuyến thông qua nhiều hình thức… “Như vậy là Bộ cũng đã chủ động trong hoàn cảnh bị động chứ không phải làm việc bị động như một số ý kiến đã đưa ra” – cô Hải Yến nêu quan điểm.
Nói đến các hình thức dạy học online, theo cô Yến, đến nay không phải là hoàn toàn mới. Đổ lỗi cho không hiệu quả hay chính do năng lực của giáo viên chúng ta? Phải khẳng định rằng dịch Covid-19 không chỉ là thách thức mà nó cũng mở ra những cơ hội mới cho giáo dục nước ta, nhất là việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào giáo dục..
Theo ước tính của UNESCO, đến ngày 24/3/2020, ít nhất có 138 nước đã áp dụng lệnh đóng cửa trường trên toàn quốc, ảnh hưởng tới 80% học sinh toàn cầu (khoảng 1,3 tỉ em). Vì vậy, các nước đã tập trung vào giải pháp học trực tuyến và truyền hình. Các nước như Trung Quốc, Nga, Argemtina, Mexico, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Anh, Mỹ,… đã đẩy mạnh dạy học trực tuyến.
“Ở Việt Nam, việc dạy học trực tuyến đã được đề xuất từ lâu nhưng chưa có tỉnh, thành phố nào thực hiện được. Qua dịch Covid-19, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều tổ chức giảng dạy qua truyền hình hoặc giảng dạy trực tuyến. Như vậy, đại dịch này cũng là cơ hội để giáo dục và đào tạo nước ta triển khai dạy học trực tuyến từ trường đại học đến phổ thông, nhất là giảng dạy cho học sinh lớp 9 và lớp 12.
Lần đầu tiên các học sinh, sinh viên cả nước được học qua truyền hình hoặc trực tuyến một cách có kế hoạch và tổ chức như vậy. Các bài dạy qua truyền hình của các tỉnh đều được chuẩn bị công phu, trọng tâm và chất lượng, ví dụ như các bài giảng trên HTV7, HTV, PTV …
Tuy nhiên, việc học trực tuyến cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, cần khắc phục. Vì vậy, về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần có quy định cụ thể và xây dựng quy chế tổ chức lớp học trực tuyến. Các trường sư phạm tăng cường đào tạo về dạy học trực tuyến cho sinh viên sư phạm và các địa phương khuyến khích trung tâm dạy thêm, học thêm sử dụng hình thức học trực tuyến” – giáo viên Trường THPT Thanh Thủy chia sẻ.
Ngạn ngữ có câu “ Nghịch cảnh không chỉ là phép thử của tình cảm mà là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người”. Thiết nghĩ trong hoàn cảnh éo le và thử thách của đại dịch Covid 19 mỗi công dân Việt Nam cùng chung tay đoàn kết, bằng tình cảm và trí tuệ, bản lĩnh để vượt qua được đại dịch.
Nói lên tâm tư này, cô Yến trao đổi: Hoàn cảnh này không phù hợp với việc tìm kiếm những hạn chế, thiếu xót của một cá nhân, cơ quan, tổ chức để bàn cãi mà quan trọng là mỗi chúng ta vẫn hoàn thành tốt công việc của mình trong những nghịch cảnh.
Đến thời điểm này, mọi hoạt động của cả nước dần quay lại hoạt động bình thường, nhất là các em học sinh, sinh viên được trở lại ngôi trường thân yêu của mình, bắt nhịp lại với công việc học tập sau một thời gian dài “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Đó không phải là kết quả quan điểm chỉ đạo của Bộ GD& ĐT trong thời gian qua hay sao?