Chủ động phòng chống đuối nước cho học sinh trước hè

GD&TĐ - Chuẩn bị vào hè, các trường học, đơn vị chức năng tại TPHCM chủ động trang bị kiến thức cũng như phổ cập kỹ năng bơi lội cho học sinh...

Học sinh Trường THCS Linh Đông thực hành thao tác sơ cứu người bị đuối nước. Ảnh: AT
Học sinh Trường THCS Linh Đông thực hành thao tác sơ cứu người bị đuối nước. Ảnh: AT

Chú trọng trang bị kiến thức

Đầu tháng 5/2024, Trường THCS Linh Đông (TP Thủ Đức) tổ chức tập huấn phòng chống đuối nước cùng kỹ năng sơ cứu người bị ngạt nước cho 1.600 học sinh. Nhà trường giới thiệu về thực trạng trẻ bị đuối nước tại Việt Nam, những nơi các em có nguy cơ bị tai nạn, hậu quả của đuối nước, đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, bơi.

Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Ngọc Liễu cho biết, phòng ngừa tai nạn do đuối nước là vấn đề được nhà trường chú trọng. Từ đầu năm 2024, đội ngũ giáo viên của trường bắt tay chuẩn bị nội dung, phương pháp và giáo cụ liên quan đến công tác truyền đạt, sao cho học sinh dễ tiếp thu, nắm bắt, nhớ lâu và biết thực hành khi gặp sự cố. Bên cạnh đó, thầy cô luôn nhắc nhở trò phải cẩn thận khi tiếp xúc với môi trường nước.

“Vào mùa Hè, nhiều em được về quê chơi, hoặc du lịch cùng gia đình nên có dịp tiếp xúc với môi trường sông nước. Vì vậy, chúng tôi muốn trang bị những kỹ năng cần thiết giúp các em đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe”, cô Liễu cho hay.

Tại quận Gò Vấp, hằng năm công tác phổ cập bơi lội cho học sinh được các nhà trường đặc biệt chú trọng. Theo cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, ngoài nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tăng cường nhận thức, hình thành hành vi đúng cho học sinh về việc tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống tai nạn đuối nước, nhà trường còn phối hợp với Nhà Thiếu nhi quận Gò Vấp tổ chức phổ cập bơi cho khối 3. Giáo viên chủ nhiệm tiếp nhận đăng ký từ phụ huynh trên tinh thần tự nguyện, sau đó nhà trường tổng hợp và phối hợp tổ chức cho các em học bơi trong 2 tháng.

“Năm học 2023 - 2024, toàn trường có gần 300 học sinh khối 3 đăng ký tham gia lớp phổ cập bơi lội. Sau khóa phổ cập, hầu hết học sinh nắm rõ kỹ năng bơi. Nhiều em bơi thành thạo và được cấp giấy chứng nhận”, cô Mai cho hay.

Liên quan đến việc trang bị kỹ năng, kiến thức về phòng chống đuối nước đối với trẻ em, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Đoàn phòng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TPHCM (PC07) cho rằng, một số nơi trên địa bàn thành phố có nhiều kênh rạch, sông xen lẫn khu dân cư; có vị trí không rào chắn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước đối với người dân, nhất là trẻ em dịp hè.

“Thời gian qua, PC07 phối hợp cùng một số trường học trên địa bàn thành phố triển khai các biện pháp, hướng dẫn kỹ năng cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh. Bên cạnh đó, PC07 cùng với đoàn viên, thanh niên tại các đơn vị tập huấn kỹ năng, kỹ thuật cứu người, sơ cấp cứu người bị đuối nước”, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

PC07 huấn luyện bơi lội, kỹ năng phòng chống đuối nước cho con em cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an TPHCM năm 2023. Ảnh: LN

PC07 huấn luyện bơi lội, kỹ năng phòng chống đuối nước cho con em cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an TPHCM năm 2023. Ảnh: LN

Trang bị kỹ năng cứu người đuối nước

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, đuối nước không phải lúc nào cũng có thể gây tử vong, tuy nhiên nếu nạn nhân được cứu sống cũng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Người bị đuối nước thường gặp di chứng não do thiếu oxy.

“Cấp cứu kịp thời cho nạn nhân bị đuối nước rất quan trọng, thậm chí ngay cả khi nạn nhân đã ở trong nước một thời gian dài thì vẫn có cơ hội cứu sống. Tuyệt đối không được đánh giá tình trạng nạn nhân chỉ dựa vào thời gian họ ở dưới nước”, bác sĩ Khanh lưu ý.

Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nhô lên khỏi mặt nước, có động tác giúp nạn nhân trấn tĩnh và thở. Khi đưa được lên bờ, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng.

Nếu nạn nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực - dùng 2 tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Đồng thời khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng.

Theo Đại úy Nguyễn Thanh Tùng, trường hợp trẻ không may bị đuối nước, nếu không biết bơi, người lớn cần tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho trẻ bám vào và hô hoán để người biết bơi tới ứng cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi, vì nạn nhân trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn.

“Qua những buổi tập huấn, học sinh có kiến thức cơ bản, kỹ năng cần thiết để rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tự lực, nhạy bén để ứng phó các tình huống không may xảy ra, tự bảo vệ bản thân và đảm bảo sự an toàn, tự tin trong cuộc sống”, Đại úy Tùng chia sẻ.

“Người lớn phải thận trọng khi cho trẻ nhỏ chơi xung quanh khu vực có chứa nước. Vào dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, khi cho trẻ về quê chơi hoặc đi du lịch, cần giám sát chặt chẽ. Trong nhà, nên đóng cửa phòng tắm khi không sử dụng, cho trẻ học bơi để phòng tránh đuối nước”, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ