(GD&TĐ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế vừa thông qua Kế hoạch liên bộ về việc Phối hợp hành động liên ngành phòng chống bệnh dịch tay chân miệng trong trường học năm học 2011 - 2012. Kế hoạch triển khai tới tất cả các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ trên phạm vi cả nước, từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2012.
Kiểm tra công tác vệ sinh tại Trường mầm non |
Theo đó, ngành Y tế và ngành Giáo dục tăng cường giám sát, thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng, nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong.
Các nội dung và giải pháp thực hiện phòng chống bệnh cụ thể: Tổ chức chiến dịch truyền thông về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng, chống bệnh cho cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ; Người chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục cần thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm một cách nghiêm ngặt; Tiến hành chiến dịch vệ sinh môi trường tại cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ; Theo dõi sức khỏe của trẻ và học sinh, cách ly và điều trị kịp thời những trường hợp mắc bệnh.
Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phổ biến, triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống bệnh tới các cơ sở giáo dục, đồng thời tổ chức tập huấn cho các sở giáo dục và đào tạo về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng chống trong trường học và tại cộng đồng.
Chỉ đạo, đôn đốc Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ khẩn trương triển khai chiến dịch truyền thông cho cán bộ, giáo viên; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường; vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm; theo dõi sát sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để được cách ly và điều trị kịp thời.
Phối hợp với cơ quan y tế từ Trung ương đến địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện các ổ dịch tại cơ sở giáo dục phải thông báo cho cơ sở y tế để xử lý ổ dịch kịp thời.
Về phía Bộ Y tế: Phổ biến, triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp hành động liên ngành Y tế - Giáo dục về phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học năm học 2011 - 2012 tới các đơn vị thuộc Bộ Y tế.
Chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các sở GD triển khai các hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học. Hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, hóa chất sát khuẩn, tờ rơi, các tài liệu truyền thông về bệnh tay chân miệng cho các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ để phục vụ các hoạt động phòng chống bệnh dịch.
Tổ chức việc thu dung, điều trị, cách ly các trường hợp trẻ, học sinh bị ốm, xác định sớm nguyên nhân và thông báo kịp thời cho gia đình, nhà trường để có biện pháp xử trí kịp thời.
Bên cạnh đó, tổ chức điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ; Tổ chức các cuộc họp chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng với các đơn vị liên quan để kịp thời phối hợp chỉ đạo.
Bộ Y tế có trách nhiệm thông báo tình hình dịch bệnh trên cả nước thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ sở y tế và giáo dục được biết và phối hợp phòng, chống dịch; vận động các Nhà tài trợ hỗ trợ xà phòng rửa tay cho các trường học, gia đình học sinh vùng khó khăn và vùng có nguy cơ cao.
Hai Bộ sẽ tiến hành khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng trong trường học vào tháng 9 năm 2012.
Bệnh tay chân miệng là bệnh do vi rút đường ruột gây bệnh, lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết có chứa vi rút gây bệnh. Một trong các chủng gây bệnh là EV71 có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Năm 2011, tại Việt Nam tình hình dịch tễ học bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, chủng EV71 chiếm gần 50% số trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh tay chân miệng. Tính từ đầu năm đến 15/9/2011, cả nước đã ghi nhận 52.321 ca mắc bệnh tay - chân - miệng tại 61 địa phương, trong đó đã có 109 trường hợp tử vong tại 22 tỉnh, thành phố và hiện nay tình hình bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Số trường hợp mắc và tử vong chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, tập trung tại các nhà trẻ, các trường mầm non và mẫu giáo. |
Lộc Hà