Chủ động nhập cuộc

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, quá trình tổ chức dạy học môn Lịch sử trong Chương trình GDPT năm 2018, sửa đổi, bổ sung năm 2022 còn những khó khăn phải tháo gỡ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Từ đó cần sự vào cuộc tích cực từ các trường sư phạm mà điểm nhấn là đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Ngày 3/8/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình GDPT 2018 ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.

Theo đó, môn Lịch sử cấp THPT từ chỗ là môn học thuộc nhóm khoa học xã hội, được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp trở thành môn học thuộc nhóm khoa học xã hội, gồm hai phần: Bắt buộc với tất cả học sinh, với thời lượng 52 tiết/năm học; Lựa chọn cho học sinh chọn môn Lịch sử theo định hướng nghề nghiệp, với thời lượng 35 tiết/năm học.

Chương trình lịch sử mới được thiết kế theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực nhằm phát huy tính chủ động, tiềm năng học sinh. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở các trường THPT có những rào cản cần tháo gỡ. Trước yêu cầu thực tiễn, nhiều giáo viên lịch sử chưa đáp ứng được kỹ năng, phương pháp dạy học, đặc biệt là khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Thực trạng này đòi hỏi thầy, cô giáo không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức; đồng thời các địa phương, cơ sở giáo dục phải tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, gốc rễ và mang tính bền vững được các chuyên gia khuyến nghị là, đào tạo bài bản cho sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử trong các cơ sở đào tạo giáo viên. Trên tinh thần đó, mỗi trường cần giúp sinh viên nhận thức rõ sự thay đổi trong chương trình môn Lịch sử qua các thời kỳ và trên hết là trang bị cho người học hiểu biết và năng lực phát triển chương trình môn học cùng phương pháp, kỹ thuật dạy học bộ môn Lịch sử.

Ở góc nhìn khác, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Bộ GD&ĐT cần tăng cường tổ chức khóa tập huấn, đào tạo để trang bị kiến thức và kỹ năng, giúp giáo viên không chỉ hiểu đúng, mà còn sâu về chương trình môn học cũng như định hướng dạy học. Qua đó, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.

Mặt khác, cần tăng cường tập huấn giáo viên các cấp học về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp và kỹ thuật dạy học lịch sử, về kiểm tra, đánh giá. Ngoài đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo giáo viên, các cơ sở đào tạo cần chủ động, tích cực tham gia viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên.

Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở tham mưu của tổ, nhóm chuyên môn, ban giám hiệu rà soát kỹ kế hoạch dạy học môn Lịch sử; khuyến khích việc xây dựng chương trình theo hướng tự chủ và chú trọng dạy học trải nghiệm thực tế.

Ngoài ra, các trường phổ thông và cơ sở đào tạo giáo viên cần tạo ra sân chơi cho học sinh, sinh viên. Triển khai tiết dạy, chuyến trải nghiệm để người học thấy tầm quan trọng, sự liên hệ mật thiết giữa lịch sử với đời sống hằng ngày; từ đó giúp các em có ý thức hơn trong học tập; trên hết thấy học môn Lịch sử là nhu cầu tự thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.