Chủ động hơn trong điều hành

GD&TĐ - Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng có những cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc bán cầm chừng do hết hàng; mức chiết khấu thấp, thậm chí ở mức bằng 0 nên không có lãi...

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lý do dẫn đến tình trạng này theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương là bởi nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất. Bộ Công Thương đã nắm được tình hình và có báo cáo đánh giá gửi Chính phủ để có phương án xử lý.

Và đến chiều 8/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước với sự tham dự của các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam...

Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc thiếu hụt xăng dầu chỉ mang tính cục bộ vì hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, phần còn lại là nhập khẩu. Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn, việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Về tình trạng một số cửa hàng đóng cửa với lý do thiếu nguồn cung, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các sở công thương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra. Kết quả cho thầy, hầu hết các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ; một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá...

Đối với việc bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu, theo đại diện Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí, những vướng mắc trước mắt của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được tháo gỡ. Từ giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Ngoài ra, từ trước Tết, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2 đã nâng công suất lên 105%.

Như vậy có thể thấy, tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng, đại lý của các doanh nghiệp nhỏ do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi và biện pháp để xử lý đã có.

Thế nhưng, do xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế nên theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, điểm mấu chốt là việc quản lý, điều hành cần bảo đảm khoa học, chặt chẽ hơn.

Hiện, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương đủ thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu nên phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý.

Bộ cần chủ động hơn trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi; bảo đảm cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu, có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn, bảo đảm chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa và đời sống nhân dân nên phải quản lý chặt chẽ, khoa học, không thể để xảy ra tình trạng “đứt gãy” bởi bất cứ lý do nào.

Muốn vậy, ngoài việc quản lý, điều hành khoa học, chặt chẽ của các cơ quan chức năng, những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách mới phát sinh cũng như đã có từ trước cần được điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Cây xanh 'thần bí'

GD&TĐ - Không chỉ có công dụng thu nhận khí CO2 và tạo ra khí O2 cần thiết cho sự sống, một số loại cây còn ẩn chứa những đặc điểm và công dụng tuyệt vời.
Binh sĩ thuộc Đội chiến đấu Lữ đoàn 1, Sư đoàn Dù 82 của quân đội Mỹ.

Điều gì đã xảy ra với quân đội Mỹ?

GD&TĐ - Ngày thứ bảy lần ba của tháng 5 được Mỹ vinh danh là Ngày Lực lượng Vũ trang, một ngày lễ tôn vinh tất cả các thành viên của quân đội nước này.