Tiếp bài Đường 1.500 tỉ ở Hà Tĩnh vừa bàn giao đã 'nát':

Chủ đầu tư chủ quan khi xác định nguyên nhân?

GD&TĐ - Đại diện nhà thầu thảm bê tông nhựa là Công ty Cổ phần 484 đã liên hệ với Báo GD&TĐ thừa nhận lỗi thi công.

Trong khi chủ đầu tư cho rằng hiện tượng rạn nứt do yếu tố khách quan thì nhà thầu lại thừa nhận lỗi thi công. Ảnh: Tiến Hiệp
Trong khi chủ đầu tư cho rằng hiện tượng rạn nứt do yếu tố khách quan thì nhà thầu lại thừa nhận lỗi thi công. Ảnh: Tiến Hiệp

Việc một đoạn tuyến thuộc dự án đường ven biển 1.500 tỉ đồng ở Hà Tĩnh xuất hiện nhiều điểm rạn nứt sau một tháng bàn giao, chuyên gia cho rằng cần lấy mẫu thí nghiệm thành phần, hàm lượng nhựa để đánh giá chất lượng.

Chủ quan khi xác định nguyên nhân?

Mặt thảm nhựa rạn nứt nghiêm trọng sau hơn một tháng bàn giao. Ảnh: Tiến Hiệp

Mặt thảm nhựa rạn nứt nghiêm trọng sau hơn một tháng bàn giao. Ảnh: Tiến Hiệp

“Dự án Nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Đây là dự án có tổng chiều dài 62km với tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2017 tới năm 2022 gồm 3 đoạn tuyến: Xuân Trường (nay thuộc Đan Trường) - Thạch Bằng dài 32,6 km, Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân dài 12,4 km (hoàn thành mặt đường) và đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh dài 18 km. Trong 3 đoạn tuyến thì đoạn Đan Trường - Thạch Bằng và đoạn Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân đã được hoàn thành từ trước năm 2021. Với đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh vừa được hoàn thành và bàn giao vào tháng 12/2022. Mặc dù mới bàn giao được hơn 1 tháng, nhưng đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh xuất hiện nhiều điểm rạn nứt bề mặt nhựa, không những thế, có những điểm bị lún sâu, kết cấu nhựa bị nứt gãy, bong tróc”.

Liên quan đoạn đường Kỳ Xuân - Kỳ Ninh (thuộc tuyến đường ven biển Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng) vừa bàn giao được hơn một tháng nhưng xuất hiện nhiều điểm rạn nứt bề mặt thảm nhựa và đơn vị thi công phải bóc gần 2km thảm lại, một kỹ sư tư vấn về cầu đường tại Hà Tĩnh đã có những phân tích cụ thể các nguyên nhân.

Theo kỹ sư trên, nhìn tại hiện trường thì bê tông nhựa có vấn đề về chất lượng như: Thành phần cấp phối có khả năng thiếu thành phần bột khoáng (mặt thảm rộ), hàm lượng nhựa thực tế có khả năng thấp hơn so với thiết kế (muốn khẳng định được việc này thì cần lấy mẫu thí nghiệm thành phần hạt, hàm lượng nhựa) và thêm yếu tố nữa là có khả năng nền móng yếu.

“Việc chủ đầu tư cho rằng do ảnh hưởng của nhiệt độ, thời tiết và các yếu tố khách quan khác là chưa đầy đủ. Để khẳng định việc rạn nứt, hư hỏng bề mặt nhựa cần phải lấy mẫu thí nghiệm để xác định có phải chất lượng kém hay không”, vị kỹ sư nói.

Cũng theo người này, việc chủ đầu tư cho rằng mặc dù mới bàn giao được một tháng nhưng đã khai thác hơn một năm, lượng xe cộ qua lại nhiều khiến bề mặt nhựa rạn nứt là khẳng định chủ quan. Người này giải thích: “Như vậy tại sao quá trình nghiệm thu không phát hiện và chỉ hơn một tháng sau lại xuất hiện tình trạng rạn nứt nhiều thế?”.

Nhà thầu thừa nhận lỗi

Nhà thầu tiến hành cào mặt thảm tại đoạn đường vừa bàn giao hơn một tháng để thảm lại. Ảnh: Tiến Hiệp

Nhà thầu tiến hành cào mặt thảm tại đoạn đường vừa bàn giao hơn một tháng để thảm lại. Ảnh: Tiến Hiệp

Trả lời Báo GD&TĐ, ông Lê Viết Hòa, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh cho hay, đoạn đường xảy ra hiện tượng trên thuộc gói thầu có tổng mức đầu tư gần 70 tỉ đồng do liên danh Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Hùng Cường (trụ sở tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Công ty TNHH Vĩnh Phúc và Công ty TNHH Khánh Môn (cùng đóng tại TP Hà Tĩnh) thi công, đơn vị thảm bê tông nhựa là Công ty Cổ phần 484 (trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An).

Theo ông Hòa, đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh đã được thảm xong và khai thác từ tháng 12/2021, sau khi thực hiện thêm các hạng mục an toàn giao thông, gia cố kè biển mới hoàn thành bàn giao vào tháng 12/2022, đang trong giai đoạn bảo hành. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rạn nứt bề mặt nhựa là do lượng phương tiện qua lại nhiều, trong đó có xe tải trọng lớn và ảnh hưởng từ khí hậu, thời tiết.

Quá trình kiểm tra có 15 vị trí rạn nứt mặt thảm bê tông nhựa dài gần 2 km (đoạn từ Km 104+400 tới Km 105+200), chủ đầu tư đã yêu cầu Công ty Cổ phần 484 thực hiện công tác bảo hành sửa chữa. Tuy nhiên, sau khi đơn vị thi công vá lại lỗi gây mất mỹ quan tuyến đường ven biển nên Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh đã yêu cầu nhà thầu thảm lại gần 2km.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện nhà thầu thảm bê tông nhựa là Công ty Cổ phần 484 đã liên hệ với Báo GD&TĐ thừa nhận lỗi thi công. “Lỗi rõ ràng nhà thầu không tránh khỏi, rất cảm ơn Báo GD&TĐ đã phát hiện sớm để đơn vị khắc phục. Hiện tại chúng tôi đã khắc phục xong, sắp tới đơn vị cũng triển khai nhiều dự án nên không muốn việc này ảnh hưởng đến uy tín của công ty”, vị đại diện Công ty Cổ phần 484 nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ