'Chống trượt' cho học sinh lớp 12

GD&TĐ - Thời điểm này, cùng với việc hoàn tất chương trình học theo quy định, các trường THPT bước vào giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp cho HS lớp 12.

Một tiết học của học sinh Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: NTCC
Một tiết học của học sinh Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: NTCC

Trong đó, đặc biệt quan tâm phụ đạo cho đối tượng học sinh yếu kém, có nguy cơ trượt tốt nghiệp.

Ôn tập kết hợp tự học

Cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT (Lạng Sơn), cho biết: Sau kỳ thi thử tốt nghiệp THPT dành cho học sinh lớp 12 do Sở GD&ĐT tổ chức, nhà trường đã nắm được kết quả để tiến hành phân tích, đánh giá và phân loại đối tượng. Trong các môn thi, học sinh đang gặp khó khăn nhất ở môn Tiếng Anh dù đây là môn thi tốt nghiệp bắt buộc.

Nhà trường đã phân công giáo viên sử dụng kết quả này để phân nhóm học sinh theo năng lực, xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp từng đối tượng. Riêng môn Tiếng Anh, các thầy cô sẽ dành nhiều thời gian hơn để củng cố kiến thức và ôn luyện cho học sinh.

“Trường khuyến khích thầy cô giao, chữa bài qua phần mềm giao bài tập trực tuyến cho học sinh. Qua đó, các em có thể nâng cao khả năng tự học, nhận ra hạn chế bản thân để trau dồi”, cô Thuận chia sẻ.

Cô Thuận chia sẻ, trường sẽ theo dõi sát sao quá trình ôn luyện của học sinh. Bước vào tháng “nước rút”, học sinh tiến bộ chậm, có nguy cơ trượt tốt nghiệp, sẽ chuyển từ phương pháp ôn luyện tập trung sang kèm riêng một cô - một trò. Các buổi ôn luyện hoàn toàn miễn phí.

Giáo viên chủ nhiệm cùng đồng thời lập nhóm Zalo từng lớp, có giáo viên bộ môn, để học sinh trao đổi khó khăn trên lớp.

Trường THPT Quang Trung (Hưng Yên) có 183 học sinh lớp 12/5 lớp, do trình độ đầu vào học sinh lớp 10 thấp nên đỗ tốt nghiệp THPT trở thành ưu tiên hàng đầu. Nhiều học sinh đã xác định mục tiêu này từ sớm nhưng khoảng vài chục em đến nay vẫn lơ là, nằm trong diện “nguy hiểm”.

Thầy Phạm Ngọc Quá, Phó Hiệu trưởng cho biết: Trường đã tổ chức nhiều kỳ thi thử để sàng lọc học sinh yếu, kém, lơ là học tập để xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp. Giáo viên chủ nhiệm, bộ môn theo sát, tổ chức ôn luyện trái giờ học chính khóa.

Nhiều năm nay, trường còn duy trì phương pháp ôn tập “chuyên gia”. Mỗi lớp chia thành nhóm học sinh có học lực khá và yếu. Nhóm học khá, đóng vai “chuyên gia”, hỗ trợ nhóm học yếu giải đáp bài tập khó, phần kiến thức chưa hiểu; phối hợp với đoàn trường truy bài vào giờ truy bài, tiết tự học. Sau thời gian triển khai, kết quả học sinh yếu, kém có nhiều tiến bộ, ý thức học và tự nâng cao. Nhiều em từ trạng thái lơ là học tập chuyển sang chăm chỉ, tích cực.

Cô Nguyễn Thùy Giao, Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) trao đổi: Trường còn đợt kiểm tra chất lượng cuối cùng cho học sinh khối 12 vào tuần 3 tháng 4. Thông qua kết quả, trường tiếp tục phân loại đối tượng ôn tập sát nhất với từng học sinh. Dù chưa có thống kê cuối cùng số lượng học sinh nguy cơ trượt tốt nghiệp nhưng cô Giao phán đoán tỉ lệ này giảm ít so với năm trước.

Theo cô Giao, 100% học sinh dân tộc (Vân Kiều, Pa Cô), chất lượng đầu vào thấp, năng lực học tập hạn chế… nên tỉ lệ học sinh lớp 12 nguy cơ trượt tốt nghiệp nhiều năm qua lên tới 20%/tổng. Nhà trường đã quan tâm, chú trọng công tác ôn tập nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng điểm liệt thì chưa đạt kết quả mong muốn.

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn cùng nhau học nhóm. Ảnh: Ngô Chuyên

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn cùng nhau học nhóm. Ảnh: Ngô Chuyên

Đồng hành cùng học sinh

Tại Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), do Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sớm hơn nên công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 đang diễn ra khẩn trương. Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Thời điểm này, học sinh yếu, có nguy cơ điểm liệt được chú trọng ôn tập với phạm vi kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Cuối tháng 5, bước vào cao điểm ôn thi, thầy cô sẽ tích cực động viên học sinh yếu, kém đi học đầy đủ để củng cố kiến thức.

Theo thầy Tuấn, quá trình ôn luyện luôn có sự phối hợp từ ba vị trí. Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm rà soát danh sách học sinh yếu, kém, có nguy cơ trượt tốt nghiệp; động viên học sinh tham gia ôn tập hiệu quả. Phụ huynh làm việc chặt chẽ với nhà trường, giáo viên để quản lý học sinh, theo sát quá trình tự học. Đồng thời, gia đình phản ánh kịp thời các yêu cầu về dạy học trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT với nhà trường để có hướng khắc phục.

Học sinh được khuyến khích phản hồi với nhà trường về nội dung chương trình, phương pháp dạy học. Từ đó, ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên điều chỉnh trong kế hoạch ôn tập để phù hợp với nguyện vọng, năng lực các em.

Thầy Hồ Đức Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Trạch (Hà Tĩnh), chia sẻ, sau khi có kết quả thi thử, trường phân nhỏ đối tượng học sinh theo nhóm giỏi, khá, yếu để điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp. Ban giám hiệu bố trí giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết kèm học sinh yếu trên tinh thần vừa dạy vừa động viên, tìm ra phương pháp học tập linh hoạt.

Cùng đó, giáo viên phân nhỏ chủ điểm kiến thức và ôn theo phương pháp “nhích” từng điểm để học sinh nắm chắc từng đơn vị kiến thức. “Học sinh yếu, kém được quan tâm hơn ở chỗ giáo viên bám sát năng lực để ra bài, chữa bài và liên tục có định hướng ôn tập. Quá trình ôn tập trên tinh thần động viên, khích lệ, không tạo áp lực; Giúp học sinh dù học lực thấp nhưng bước vào kỳ thi với tâm thế thoải mái, tích cực”, thầy Cương cho hay.

Cô Nguyễn Thùy Giao cho biết thêm: Ngay sau khi có kết quả khảo sát đợt cuối lớp 12, trường sẽ nhóm số học sinh nguy cơ trượt tốt nghiệp thành 1 để ôn tập riêng tại trường ngoài giờ học chính khóa. Nội dung, vấn đề ôn tập tập trung vào kiến thức cơ bản nhất giúp các em vượt qua điểm liệt. Ngoài ra, giáo viên bộ môn sẽ ôn tập miễn phí theo hình thức trực tuyến cho học sinh yếu vào buổi tối trong tuần và thứ 7, Chủ nhật. Mỗi buổi ôn từ 1,5h-2h, học sinh nhà gần nhau tập trung theo nhóm để dùng chung thiết bị học trực tuyến. Việc ôn tập diễn ra đến sát ngày thi.

“Giáo viên, nhà trường luôn xác định ôn tập chống trượt cho học sinh yếu kém là nhiệm vụ quan trọng, các thầy cô đều quyết tâm đồng hành, hỗ trợ tối đa giúp học sinh vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất…”, cô Nguyễn Thùy Giao khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.