Chống rác thải nhựa: Cần áp thuế nylon cao đối với người tiêu dùng

GD&TĐ - Mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế đang là 50.000 đồng/kg, tuy nhiên khung thuế cao nhất đối với sản phẩm nhựa dùng một lần này vẫn chưa thể thay đổi hành vi nếu không đánh thuế với người tiêu dùng. Vì vậy, giải pháp cần hướng đến là áp dụng thuế, phí cao hơn nếu vẫn chọn dùng túi nylon.

Rác thải nhựa đang ảnh hưởng đến môi trường đại dương của chúng ta
Rác thải nhựa đang ảnh hưởng đến môi trường đại dương của chúng ta

Đây là một trong những đề xuất vừa được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đưa ra tại buổi Tọa đàm “Tuyên chiến với rác thải nhựa”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 14/11, tại Hà Nội.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 5 - 7 túi nylon/ngày. Lý do là, “bản thân sản phẩm nhựa và túi nylon rất rẻ tiền và tiện dụng. Thế nên, các bà nội trợ ra chợ chưa xin thêm túi nylon, cô bán hàng đã cho thực phẩm vào, thậm chí là túi nhỏ bỏ trong túi to, túi to bỏ trong túi to hơn. Cứ thế, mỗi lần đi chợ là có hàng chục cái túi nylon như vậy”, ông Nhân chia sẻ.

Điều đáng lo là, mỗi năm ước tính có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế.

Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người qua mỗi năm đã tăng từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 - 2018.

Với thực trạng nêu trên, “nếu chúng ta không kiểm soát tốt nhựa và túi nylon sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển kinh tế đó không bù đắp được ô nhiễm môi trường, uy tín của Việt Nam trên cộng đồng quốc tế”, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường lo lắng.

Để giải quyết thực trạng nêu trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng tự giác giảm việc sử dụng túi nylon khó phân hủy và tích cực thay thế bằng những sản phẩm dễ phân hủy.

Tiếp đó là tiến tới cấm sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy và túi nylon sử dụng một lần. “Khi đã cấm sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy và túi nylon mỏng sử dụng một lần thì các doanh nghiệp, nhu cầu xã hội buộc sẽ phải tìm ra những biện pháp mới để thay thế”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu để xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã làm việc với các Đại sứ quán, các quỹ phát triển toàn cầu để giúp Việt Nam thành lập Trung tâm ứng phó với rác thải nhựa đại dương; kết hợp với các tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền thay đổi hành vi tiêu dùng của cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.