Không thu dồn đầu năm học
Trong những năm qua, thực hiện Nghị Quyết số 29-NQ/TW, trong đó có nhiệm vụ đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GD&ĐT; các cơ sở giáo dục công lập đã thực hiện huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội theo đúng nguyên tắc quản lý ngân sách.
Tuy nhiên, vẫn còn cơ sở giáo dục công lập ở một số địa phương thực hiện chưa chưa đúng quy định về các khoản thu, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, dư luận xã hội chưa đồng tình.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu chi tài chính và chấm dứt tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục công lập, năm học này, các Sở GD&ĐT đều đã có hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh/thành phố. Yêu cầu công khai, minh bạch, vì học sinh được thể hiện rất rõ ở những chỉ đạo này.
Đơn cử, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị phân biệt rõ ràng, minh bạch các khoản thu và các loại phí, nguồn quỹ…; thông tin tài chính phải được công khai, minh bạch và được chính quyền địa phương chấp thuận, phụ huynh đồng tình ủng hộ; đầu năm học không được thu nhiều khoản cùng một lúc, gây khó khăn và áp lực cho các gia đình.
Cũng nhấn mạnh không thu dồn các khoản tiền ngay đầu năm học, Sở GD&ĐT Sơn La yêu cầu các cấp quản lý hướng dẫn, công khai khoản thu, chi trong nhà trường, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức.
Tại Đắk Lắk, Sở GD&ĐT hướng dẫn rất cụ thể về thực hiện các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trong đó, riêng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở yêu cầu thu theo tinh thần tự nguyện; không sử dụng khoản thu này để hỗ trợ các hoạt động dạy học, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường…
Tại Bến Tre, từng nội dung trong các khoản thu đóng góp theo thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện phục vụ trực tiếp cho học sinh; các khoản thu từ hoạt động dịch vụ cùng quy trình thực hiện đã được hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT – cho biết: Mức thu của từng khoản được Sở GD&ĐT lưu ý đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện KT-XH, thu nhập trên từng địa bàn; phải được xây dựng dựa trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi được thỏa thuận, thống nhất bằng văn bản giữa nhà trường với cha mẹ học sinh về chủ trương, mức thu, nội dung chi.
Với thu để mua học phẩm, mua đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu cho học sinh... nhà trường phải công khai danh mục, đơn giá cho cha mẹ học sinh biết và thống nhất với cha mẹ học sinh về phương thức thực hiện.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT Bến Tre cũng hướng dẫn các khoản thu từ hoạt động dịch vụ, như dạy học thêm trong nhà trường, trông giữ xe, dịch vụ căng tin trong nhà trường; thu từ các khoản tài trợ với đầy đủ nội dung thu; mức thu; nguyên tắc tài trợ và các bước thực hiện.
Giáo viên, hiệu trưởng đều phải ký cam kết về thực hiện thu chi
Năm học 2017 – 2018, Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu giáo viên phải ký cam kết trước hiệu trưởng; hiệu trưởng ký cam kết trước Giám đốc Sở GD&ĐT về việc thực hiện nghiêm các quy định thu chi, dạy thêm, học thêm. Đây là một trong nhiều giải pháp được Sở GD&ĐT Phú Thọ đưa ra nhằm chống lạm thu.
Chia sẻ thông tin này, ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - đồng thời cho biết: ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản về việc hướng dẫn thu, quản lý và sử dụng các khoản thu năm học 2017-2018; chấn chỉnh, kỷ cương nền nếp đầu năm học.
Đối với các đơn vị trực thuộc, Sở GD&ĐT yêu cầu lập dự toán các khoản thu thỏa thuận và kế hoạch vận động tài trợ, báo cáo Sở GD&ĐT để được nghe tư vấn kịp thời nhằm thực hiện đúng các quy định về việc thu, chi trong trường học để thống nhất trong toàn tỉnh.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã trực tiếp tổ chức tập huấn cho tất cả hiệu trưởng các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, các trung tâm GDNN-GDTX về các khoản thu, chi được phép thực hiện.
“Các sai phạm dù nhỏ cũng được đưa ra để rút kinh nghiệm nhằm khắc phục kịp thời cho năm học này” – ông Nguyễn Minh Tường cho hay.
Bên cạnh đó, từ 11/9/2017, Sở GD&ĐT Phú Thọ thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra việc triển khai nhiệm vụ đầu năm học đối với tất cả các cấp học; trong đó đặc biệt quan tâm thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm; thu, chi các khoản thu đầu năm học để kịp thời chấn chỉnh sai phạm (nếu có) và báo cáo kết quả về Sở GD&ĐT.
Đồng thời, tiếp tục tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng, từ Sở đến phòng để giải quyết kịp thời các sai phạm về thu, chi và dạy thêm, học thêm (nếu có).
Chia sẻ về điểm mới trong công tác chỉ đạo của năm học này về chống lạm thu, ông Nguyễn Minh Tường nhấn mạnh, việc tăng cường công tác phối hợp giữa Sở GD&ĐT với UBND các huyện, thị, thành cương quyết trong việc chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra; không để tình trạng lạm thu trong các nhà trường ngay từ đầu năm học.
Qui định rõ trách nhiệm nếu trường nào để xảy ra lạm thu thì Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở đối với các đơn vị trực thuộc Sở và đối với giáo dục cấp huyện thì Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
“Chúng tôi cũng gắn việc thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành GD&ĐT Phú Thọ, trong đó có các trường trong việc nêu gương. Trường nào để xảy ra lạm thu, sẽ qui trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường, đơn vị đó để đối chiếu với các biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết TW 4, tùy theo các mức độ.
Cùng với đó, tăng cường xã hội hóa các hoạt động đầu tư, GD&ĐT ngay tại các trường công lập từ sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và đây là giải pháp hữu hiệu chống lạm thu ở các trường dưới danh nghĩa “đầu tư cơ sở vật chất” cho việc dạy và học” – ông Nguyễn Minh Tường cho hay.