Chông chênh đường tới đại học của nữ sinh dân tộc Mường đạt 29,25 điểm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không có bố bên cạnh, Thúy lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Để có tiền đóng học cho con, mẹ Thúy tranh thủ mò cua bắt ốc, hễ có ai thuê gì thì bà làm nấy… Ước ao lớn nhất của người phụ nữ này, là có vài sào ruộng trồng mía để bán lấy tiền cho con học tiếp.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thúy với đôi mặt buồn, lo âu khi biết mình đậu đại học với mức 29,25 điểm.
Nữ sinh Nguyễn Thị Thúy với đôi mặt buồn, lo âu khi biết mình đậu đại học với mức 29,25 điểm.

“Ước gì có vài sào mía, tôi sẽ bán đóng học cho con!”

Căn nhà vỏn vẹn chưa đầy 15m2, lợp tôn tạm bợ, nằm chênh vênh bên sườn đồi thôn Thạch Lỗi, xã Thành Tân (Thạch Thành, Thanh Hóa) - là nơi hai mẹ con nữ sinh Nguyễn Thị Thúy nương tựa vào nhau.

Bên trong căn nhà trống hoác, chỉ độc một chiếc giường cũ kỹ và dăm bao thóc nép ở góc nhà. Thế nhưng, với mẹ con Thúy đây được xem là “gia tài” đáng giá nhất ở thời điểm này.

Năm 2004, Thúy chào đời trong vòng tay yêu thương của mẹ. Đến tuổi đi học, chứng kiến các bạn ai cũng có bố bên cạnh, khiến Thúy không khỏi buồn tủi. Thế nhưng, sau nhiều lần gạn hỏi mẹ về bố, Thúy chỉ nhận được câu trả lời rằng bố vẫn còn sống.

Hai mẹ con Thúy ở trong ngôi nhà chỉ độc một chiếc giường, ngoài ra không có nổi một đồ vật nào đáng giá tiền triệu.
Hai mẹ con Thúy ở trong ngôi nhà chỉ độc một chiếc giường, ngoài ra không có nổi một đồ vật nào đáng giá tiền triệu.

Cảm nhận được nỗi khổ tâm của mẹ, Thúy chỉ biết gói ghém tất cả sự tò mò về người cha của mình ở trong lòng, và quen dần với cuộc sống không có bố ở bên.

“Hồi còn bé, chứng kiến các bạn ai cũng có bố còn mình thì không, khiến em vô cùng buồn tủi. Nhưng rồi, em cũng dần quen với cuộc sống chỉ có mẹ ở bên. Dù ông chưa một lần vào nhà thăm hai mẹ con, nhưng em cũng không giận và cũng không lắng đọng được chút tình cảm nào về ông”, nữ sinh bùi ngùi.

Lên cấp 2, Thúy theo học tại Trường THCS dân tộc nội trú Thạch Thành, cách nhà chừng 7km. Vì muốn ở gần mẹ, Thúy quyết định ở ngoại trú, song điều này cũng khiến nữ sinh người dân tộc Mường gặp bao khó khăn trên con đường chinh phục tri thức của mình.

“Em nhớ, không biết bao lần xe bị thủng lốp, hỏng hóc phải hì hục đẩy xe dưới cơn mưa tầm tã, đường núi thì trơn trượt. Lúc đó, người ướt sũng lại vừa đói vừa rét. Dù vậy, em chưa bao giờ từ bỏ ước mơ được tới trường”, nữ sinh bộc bạch.

Gian bếp không thể xập xệ hơn của hai mẹ con nữ sinh Nguyễn Thị Thúy.

Gian bếp không thể xập xệ hơn của hai mẹ con nữ sinh Nguyễn Thị Thúy.

Những năm Thúy học lớp 6, lớp 7 hai mẹ con phải chạy vạy đong gạo từng bữa vì mất mùa. Vào mùa mưa bão, hai mẹ con lại phải khăn gói sang nhà bà ngoại tránh trú hàng tháng trời, vì căn nhà cũ bị dột nát, tường nứt toác có nguy cơ đổ sập. “Mỗi khi mưa bão, nước mưa thấm ướt cả bức tường đã nứt toác, hai mẹ con chẳng dám ở nhà vì không biết bức tường sẽ đổ sập lúc nào”, Thúy ngậm ngùi.

Cảm thấu trước hoàn cảnh của hai mẹ con, giữa năm ngoái, anh em họ hàng và bà con chòm xóm đã góp công, góp sức cùng với hỗ trợ của Nhà nước theo diện hộ nghèo xây cất được căn nhà mới. Tuy chưa đủ rộng rãi, nhưng đã kiên cố hơn, giúp hai mẹ con an tâm tránh trú mỗi khi mùa mưa bão về.

Ngồi bên con, bà Nguyễn Thị Long (50 tuổi, mẹ Thúy) chỉ lặng im không nói gì, chốc chốc lại đưa ánh mắt nhìn về khoảng không xa xăm. Khi có người hỏi chuyện, bà Long chỉ cười rồi lại đưa ánh mắt nhìn xuống đôi bàn tay không thể chai sạn hơn.

Bà Long kể, bố Thúy bỏ đi từ khi em mới tròn 3 tháng tuổi. Một mình bà làm thuê cuốc mướn nuôi con khôn lớn. Nhiều đêm, bà lén khóc một mình vì buồn tủi, rồi lại gạt nước mắt tiếp tục sống để nuôi con. Năm ngoái, bà nhận được tin bố của Thúy đã qua đời vì bệnh nặng.

Để có tiền cho con ăn học, bà Nguyễn Thị Long (mẹ Thúy) làm thuê bất kể công việc gì, từ nhổ cỏ, cấy thuê đến mò cua, bắt ốc.

Để có tiền cho con ăn học, bà Nguyễn Thị Long (mẹ Thúy) làm thuê bất kể công việc gì, từ nhổ cỏ, cấy thuê đến mò cua, bắt ốc.

“Cứ ai thuê gì tôi làm nấy, lúc thì nhổ cỏ cho cây dứa, lúc lại đi cấy thuê nhưng công việc cũng không đều. Để có tiền đóng học cho con, tôi tranh thủ lúc rảnh mò cua, bắt ốc.

Bây giờ, biết cháu có khả năng đậu đại học tôi mừng, nhưng cũng lo lắm và không biết phải xoay sở ra sao. Ước gì nhà có vài sào mía, tôi có thể bán để cho con đóng học”, bà Long ngậm ngùi.

Nuôi ước mơ trở thành cô giáo

Mặc dù gia cảnh khó khăn, song Thúy rất nỗ lực vươn lên trong học tập. Năm lớp 9, em đoạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhiều năm liên tục đạt học sinh giỏi. Năm học 2021-2022, Thúy còn mang giải Khuyến khích môn Văn về cho mình và Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Thúy đạt 28,75 điểm ở tổ hợp khối C00 và 29,25 điểm ở tổ hợp C19 (chưa cộng điểm ưu tiên). Với mức điểm này, nữ sinh dự định xét tuyển vào khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hiện tại, để có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ, Thúy xin làm công nhân tại một công ty sản xuất đèn Led ở Hà Nam. Công việc đã kéo dài hơn nửa tháng nay, em dự định sẽ tranh thủ làm qua tháng để tích cóp thêm chút tiền trang trải việc học hành.

“Khi biết điểm thi, tâm trạng em vô cùng hỗn độn, vui thì ít mà buồn nhiều hơn. Hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn, trong khi để theo học đại học phải tốn rất nhiều chi phí. Trước mắt, em dự định sẽ vừa đi học vừa làm thêm để có tiền trang trải việc học hành”, Thúy bộc bạch.

Cô Bùi Thị Kiều Oanh (bìa phải) cùng giáo viên chủ nhiệm (bìa trái), đại diện Đoàn trường tới thăm hỏi, động viên gia đình nữ sinh Nguyễn Thị Thúy.

Cô Bùi Thị Kiều Oanh (bìa phải) cùng giáo viên chủ nhiệm (bìa trái), đại diện Đoàn trường tới thăm hỏi, động viên gia đình nữ sinh Nguyễn Thị Thúy.

Trong chuyến công tác về thăm gia đình Thúy, cô Bùi Thị Kiều Oanh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa cũng không khỏi xúc động trước hoàn cảnh éo le của nữ sinh.

“Có lên thăm gia đình em mới thấu hiểu hơn về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà Thúy đã và đang trải qua. Mặc dù, hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng em luôn có ý chí, nghị lực vượt khó để vươn lên trong học tập. Thúy cũng là một trong những học sinh luôn nằm trong tốp đầu của nhà trường về chất lượng học tập. Em cũng đạt số điểm cao nhất trường ở tổ hợp C00 và C19 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua”, cô Oanh chia sẻ.

Theo cô Oanh, ngay từ khi Thúy vào lớp 10, Ban giám hiệu cùng các tổ chức đoàn thể, Hội khuyến học đã rất chia sẻ với hoàn cảnh của em. Những năm qua, nhà trường đã tổ chức các chương trình kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Trong chuyến công tác thăm gia đình em, nhà trường cũng có một chút quà động viên tinh thần, để phần nào đó giúp em vượt qua khó khăn, thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình”, cô Oanh nói.

Mọi thông tin và hỗ trợ vui lòng liên hệ cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Nhạn. Số điện thoại: 098.651.8901.

Hoặc, Tòa soạn Báo GD&TĐ: Số 15 - Hai Bà Trưng - Q.Hoàn Kiếm - Hà Nội. Điện thoại: 024 3936 9800

Hoặc: Văn phòng đại diện thường trú báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ. Địa chỉ: Số 2, ngõ 5 đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tên TK: Văn phòng đại diện thường trú báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ.

Số TK: 111601684999. Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Hà Tĩnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…