Chòng chành những chuyến đò ngang

GD&TĐ - Từ lâu hình ảnh những con đò ngang đã đi vào bao vần thơ, câu hát, hay những bức tranh miền quê sông nước để lại biết bao ký ức đẹp cho mỗi người … nhưng có những con đò mà chỉ một lần bắt gặp thôi cũng khiến ai nấy đều phải ái ngại bởi nó cứ chòng chành, lắc lư, oằn mình chở khách sang sông không hề được trang bị phương tiện cứu sinh dù đang vào mùa nước lũ.  

Chòng chành những chuyến đò ngang

Tiềm ẩn hiểm họa theo chân người qua đò

Mặc dù trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nói chung và hoạt động quản lý bến khách ngang sông nói riêng. Nhất là từ khi Nghị định số 132/2015/NĐ-CP, ngày 25/12/2015 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, bắt đầu từ ngày 01/7/2016 đã làm chuyển biến đáng kể ý thức chấp hành Luật giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy tình hình hoạt động giao thông đường thuỷ trên địa vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại các bến thủy nội địa trong thời gian qua nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh với hành khách và người điều khiển phương tiện.

Quan sát ngay tại một số bến đò trên địa phận vùng ngoại thành Hà Nội cũng có thể thấy rất nhiều đò dù có áo phao, nhưng cả chủ đò và khách đều không mặc … Những bộ áo phao được xếp ngay ngắn trên giá để dùng đối phó với cơ quan chức năng. Ngoài chuyện vi phạm không mặc áo phao, còn rất nhiều sai phạm khác tại các bến sông cũng đe dọa trực tiếp đến an toàn của người dân khi qua đò ngang như: vẫn còn rất nhiều bến đò không đủ các tiêu chuẩn hoạt động và chưa được cấp giấy phép, nhưng vẫn tham gia hoạt động. Tình trạng phương tiện chở khách chưa đăng ký, đăng kiểm và không đủ điều kiện an toàn hoạt động còn nhiều, nhất là người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoạt động vận tải còn khá phổ biến. Thậm chí có những con đò rất cũ kỹ nhưng vẫn được sử dụng, nên mỗi khi gặp làn sóng là cứ lắc lư, oằn mình chở hành khách sang sông, khiến ai cũng cảm thấy ái ngại bởi hàng loạt hiểm họa vẫn đang theo chân những người qua đò.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết còn rất nhiều địa phương vẫn chưa có quy hoạch cho hoạt động bến thủy nội địa cũng như bến đò ngang; việc khai thác bến khách ngang sông ở nhiều nơi mới chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, còn hoạt động đảm bảo an toàn thường chưa được chú ý đúng mức, coi đó là công việc của chủ bến, người điều khiển và khách đi đò. Ngoài ra công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, sâu sát….. Vì vậy, chủ bến và người điều khiển chỉ tập trung vào khai thác vận chuyển khách sao cho nhanh, cho nhiều để thu lợi, lơ là việc xây dựng, duy tu bến, cũng như việc đầu tư mua sắm các dụng cụ cứu sinh, cứu hộ.

Cần có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ

Hiện tại đã bắt đầu bước vào mùa mưa bão, nhiều nơi ở nước ta đã xuất hiện tình trạng giông lốc gây thiệt hại không nhỏ cho tài sản có giá trị của người dân. Khi thời tiết bất thường thì việc lưu thông trên các chuyến đò hay phà là rất nguy hiểm, mọi tình huống xấu nhất đều có thể xảy ra.

Việc bảo vệ tính mạng, tài sản không chỉ của riêng các nhà đò, doanh nghiệp quản lý phà mà rất cần ý thức hành khách tuân thủ quy định khi tham gia giao thông đường thủy. Do đó để bảo đảm an toàn cho hành khách, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra hoạt động tại các bến đò ngang trên các tuyến giao thông đường thủy, phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo đảm an toàn giao thông cho người dân; đồng thời kiên quyết xử lý các chủ phương tiện, bến bãi không được cấp phép hoạt động, không bảo đảm các điều kiện về an toàn giao thông để phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do chủ quan gây ra.

Đặc biệt là chính quyền địa phương cần thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra yêu cầu các chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông cần trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh phải đảm bảo đầy đủ cả về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh đó là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa, làm sao để mọi người nhận thức được rằng, việc mặc áo phao khi lưu thông trên các phương tiện thuỷ nội địa là quyền và nghĩa vụ của bản thân mỗi người, nhất là khi những biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường hết những nguy hiểm trên sông, mỗi người càng không thể thờ ơ đánh đổi với chính sinh mạng của mình khi sang sông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.