Sẵn sàng vượt lũ đến trường

GD&TĐ - Năm nay mực nước lũ ở ĐBSCL lên sớm và được các ngành chức năng dự báo cao hơn mọi năm. Trước tình hình này, ngành GD-ĐT các địa phương vùng đầu nguồn đều có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh trước thềm năm học mới. 

Lũ lên cao, học sinh ở huyện An Phú, An Giang đến trường trên những con đò ngang
Lũ lên cao, học sinh ở huyện An Phú, An Giang đến trường trên những con đò ngang

Bên cạnh đó, công tác huy động học sinh đến lớp cũng được nhà trường cùng chính quyền địa phương triển khai đến từng gia đình, từng xóm ấp…

Lên phương án trước mùa lũ lớn

Từ đầu tháng 7 đến nay, những cơn mưa lớn kéo dài và nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về khiến lũ lên nhanh ở ĐBSCL. Mực nước lũ lên cao nên nhiều nông dân trồng lúa ở vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An phải thu hoạch lúa non; nhiều hộ phải ngâm mình thu hoạch lúa trong nước lũ.

Trong khi bà con nông dân tất bật thu hoạch lúa chạy lũ thì ngành GD&ĐT cùng chính quyền địa phương cũng ra sức chuẩn bị cho năm học mới. Trong đó có nhiệm vụ hết sức cấp bách, đó là đảm bảo an toàn cho học sinh khi ngày tựu trường cận kề.

Chúng tôi về huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) - huyện đầu nguồn, nơi “hứng” con nước lũ từ Campuchia đổ về. Những ngày này cánh đồng hàng ngàn ha đã bị nước nhấn chìm trắng xóa. Bên cạnh bản tin thông báo mực nước lũ được cập nhật thường xuyên, thì tiếng loa từ đài phát thanh xã và đài huyện cũng phát liên tục lời nhắc nhở phụ huynh trông coi con em cẩn thận và thời gian đưa con em đến trường nhập học.

Nói về công tác chuẩn bị cho năm học mới, thầy Đoàn Văn Trí - Phó Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) không quên nhắc tới chuyện nước lũ. “Hiện nay vùng đầu nguồn huyện Hồng Ngự nước đang dâng lên và theo dự báo của ngành chức năng lũ có diễn biến phức tạp và có thể lên cao hơn mọi năm. Trước tình hình nước lũ như hiện nay, Huyện ủy và Ủy ban cùng ngành Giáo dục đang tập trung nguồn lực để đảm bảo an toàn cho học sinh. Đảm bảo các điều kiện để thầy trò tựu trường đúng theo kế hoạch”.

Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo và phụ huynh ở huyện Hồng Ngự, tuy nước dâng lên nhưng thầy trò cũng bớt lo lắng vì hiện nay hệ thống đường giao thông nông thôn và đê bao khép kín được đầu tư xây dựng kiên cố. Con đường đến trường của thầy trò không còn gặp khó khăn như trước. Cảnh học sinh cấp tiểu học còn nhỏ xíu mà tự bơi xuồng trên cánh đồng đầy nước lũ để đến lớp không còn nữa!

Theo thầy Trí, huyện Hồng Ngự còn 3 điểm trường (Giồng Bàng, Giồng Duối và Nam Hang) nếu nước lũ lên cao sẽ bị chia cắt. Đối với các điểm trường này, ngành có chuẩn bị các phương án từ trước. Nếu các điểm trường bị lũ chia cắt thì thầy cô giáo đến trường bằng tắc ráng (xuồng máy) do huyện hỗ trợ. Trên đường đến trường thầy cô giáo sẽ rước luôn học trò nhà ở ven đê và ven kênh; học xong sẽ đưa các em về nhà. Còn lại đa số học sinh nhà ở gần trường nên việc đi lại không gặp khó khăn nhiều.

“Riêng những em học sinh theo cha mẹ đi Bình Dương, TPHCM làm công nhân chưa về thì nhà trường kết hợp cùng địa phương đến gia đình vận động, liên lạc để đưa các em về cho kịp ngày tựu trường…” - thầy Trí cho biết

Yên tâm cho ngày tựu trường

Huyện An Phú (An Giang) cũng là huyện đầu nguồn đón con nước lũ đầu tiên tràn về vùng ĐBSCL. Năm nay do lũ bất ngờ về sớm hơn gần một tháng nên bà con trồng lúa ở một số xã của huyện trở tay không kịp. Theo người dân cho biết, mọi năm, lũ lên khoảng 2 - 3cm sẽ chững lại và lên từ từ, vì vậy người dân phòng, chống lũ cũng dễ. Năm nay, bắt đầu từ tháng 4 nước bắt đầu tràn đồng, lên chừng 3 - 4cm sau đó lại lên nhanh liên tục khiến nhiều nơi không kịp trở tay.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mùa lũ, chính quyền địa phương cùng ngành Giáo dục ở huyện An Phú chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn cho thầy, trò trước thềm năm học mới. Thầy Thái Kim Khải - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Phú - cho biết: “Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới ở địa phương đã hoàn tất. Cơ sở vật chất trường, lớp được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa đảm bảo thầy trò tựu trường thuận lợi. Ngày tựu trường cấp tiểu học và THCS là 21/8, riêng mầm non là ngày 28/8”.

Về công tác huy động học sinh ra lớp, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Lãnh đạo huyện cùng ngành Giáo dục tập trung nhiều giải pháp nhằm đảm bảo huy động tất cả các em trong độ tuổi được đến trường.

Theo thầy Thái Kim Khải, ngành chức năng dự báo nước lũ năm nay về sớm và có thể dâng cao hơn mọi năm. Đến nay trên địa bàn huyện tuy nước có lên nhưng chưa cao, chưa có tuyến đường nào bị ngập. Lý do là đường giao thông được đầu tư xây dựng kiên cố, nâng cấp mặt đường cao hơn so với cao trình lũ nên phần nào cũng yên tâm.

Riêng xã Vĩnh Hội Đông và xã Phú Hữu địa hình còn thấp, có thể đường bị ngập một số đoạn nếu lũ dâng lên cao. “Phương án đã được địa phương chuẩn bị trước như bố trí phương tiện đưa rước thầy trò nếu đường bị lũ chia cắt. UBND huyện cùng Phòng GD&ĐT đã hỗ trợ các địa phương, các trường trực thuộc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ban này đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, lũ lụt. Sẽ hỗ trợ thầy trò khi thời tiết xấu, đặc biệt là lúc nước lũ lên cao” - thầy Thái Kim Khải cho biết.

Do huyện An Phú có địa bàn bị chia cắt bởi sông, rạch, nhiều em học sinh phải qua đò dọc, đò ngang để đến trường. Trước mùa mưa lũ đang diễn biến phức tạp, chính quyền cùng ngành Giáo dục huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các trường học phải đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh đi đò dọc, đò ngang. Bằng công tác kiểm tra, nhắc nhở, chủ phương tiện và phụ huynh học sinh phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em. Bên cạnh đó, các trường học giáp biên giới cũng sẵn sàng tiếp nhận các em học sinh là con em Việt kiều sinh sống ở Campuchia hồi hương về học chữ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ