Nghiên cứu của Tiến sĩ Tâm lý học Michael Norton, giảng viên trường ĐH Kinh doanh Harvard chỉ ra rằng, càng đóng góp nhiều tiền vào quỹ chung của gia đình thì hôn nhân của bạn càng hạnh phúc.
Tỷ lệ đóng góp tác động không hề nhỏ đến hạnh phúc của hôn nhân. Nếu bạn chỉ giữ lại 5% thu nhập cho việc chi tiêu cá nhân, còn lại đóng góp cho gia đình thì hôn nhân của bạn hạnh phúc như khi bạn đóng góp 100%.
Càng đóng góp ít thì hôn nhân càng ít hạnh phúc. Người đóng góp 80% thu nhập cho gia đình hạnh phúc hơn những người đóng góp 70%. Và những người giữ toàn bộ thu nhập cho bản thân là những người ít hạnh phúc nhất.
Nghiên cứu này được đánh giá là có cơ sở bởi nhiều lý do. Thứ nhất, bạn thường có xu hướng đóng góp ít đi, giữ tiền cho riêng mình để “phòng thân” khi hôn nhân đứng trên bờ vực thẳm.
Còn với những người mới kết hôn, nếu bạn không đóng góp thu nhập của mình cho gia đình, phải sẽ mất nhiều thời gian tranh cãi với bạn đời vì chuyện tiền nong. Bạn sẽ phải đau đầu tính toán các chi tiêu của gia đình chia cho hai vợ chồng như thế nào. Lúc này, sự chênh lệch thu nhập giữa hai vợ chồng cũng sẽ là vấn đề đau đầu. Tranh cãi cũng dễ dàng nổ ra khi phân chia anh trả cái này - em trả cái kia.
Nghiên cứu của tiến sĩ Norton nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc chia sẻ. Khi tiêu tiền vì người khác chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi tiêu tiền cho chính mình. Nữ nhà báo Megan McArdle cũng cho rằng hành động chia sẻ khiến con người ta hạnh phúc, không quan trọng bạn chia sẻ cái gì.
“Tôi và chồng tôi đóng góp 100% thu nhập của chúng tôi vào quỹ chung của gia đình. Nhưng thỉnh thoảng chúng tôi sẽ dùng tiền chung này để mua quà tặng cho nhau và đó cũng là lý do vì sao chúng tôi thích đóng góp 100% thu nhập.
Khi bạn đóng góp toàn bộ số tiền mình có với người bạn đời cũng giống như bạn tặng một món quà vậy. Nhưng cách này chỉ hiệu quả khi người bạn đời của bạn cũng tặng món quà trả lại, chứ không phải bạn đóng góp còn người kia dùng tiền đó chi tiêu cho cá nhân”, nhà báo Megan chia sẻ.
Giữ tiền riêng không hề đem lại “sự an toàn” hay “phòng thân” như bạn nghĩ. Dù có một tài khoản giữ tiền riêng thì khi ly hôn bạn vẫn phải chia đôi số tiền đó theo luật định. Bạn vẫn phải trả hoá đơn chăm sóc sức khoẻ của bạn đời nếu họ bệnh.
Tài khoản giữ tiền riêng cũng không ích gì khi người bạn đời của bạn gặp khó khăn về tài chính. Nếu bạn đời của bạn phá sản, nợ nần thì cuộc sống của bạn cũng bị ảnh hưởng. Còn nếu không ảnh hưởng gì thì khi đó bạn không phải đang kết hôn mà đang sống chung phòng với một người bạn không để tâm nhiều lắm.
Trong một số trường hợp đặc biệt như có di sản riêng cần lưu giữ hoặc người bạn đời đang vướng vào một vụ kiện thì việc chia tài khoản giữ tiền là chính đáng. Còn lại thì “tiền ai nấy giữ” chỉ khiến nổ ra nhiều tranh cãi hơn mà thôi.
Hôn nhân đi kèm với những cuộc đàm phán. Bạn luôn phải đàm phán để quyết định bạn muốn quét dọn ngôi nhà như nào, ai rửa bát, đi nghỉ ở đâu, ai dậy lúc nửa đêm pha sữa cho con, khi nào tổ chức tiệc, cuối tuần đi đâu, làm gì. Bí quyết của một cuộc hôn nhân hạnh phúc là hạn chế càng ít đàm phán càng tốt.
Và việc đóng góp tiền của bạn vào quỹ chung sẽ giúp giảm thiểu các cuộc đàm phán. Khi đó hai vợ chồng chỉ cần quyết định việc chi tiêu như thế nào. Còn nếu đã đọc đến đây, bạn vẫn chưa sẵn sàng để gom tiền về một mối thì hôn nhân của bạn đang có những vết nứt.