Chọn trường - chọn nghề: Học sinh miền núi vẫn loay hoay chọn "tương lai"

GD&TĐ - Ba năm theo học chương trình THPT cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 “hoành hành”, khiến việc học tập của nhiều học sinh miền núi bị gián đoạn.

Truyền thông, nâng cao năng lực lựa chọn ngành nghề là một trong những hoạt động được nhiều trường học miền núi triển khai.
Truyền thông, nâng cao năng lực lựa chọn ngành nghề là một trong những hoạt động được nhiều trường học miền núi triển khai.

Thời điểm đứng trước ngưỡng cửa quan trọng đầu tiên của cuộc đời, nhiều em càng hoang mang hơn với bài toán học trường nào, chọn nghề gì?

Học sinh áp lực, phụ huynh lo lắng

Càng gần cuối năm học, Lò Thị Hương, Trường THPT Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lại thêm lo lắng. Nhà ở bản Xa Cuông, xã Pa Thơm – địa bàn khó khăn nhất của huyện nên nỗi lo “hổng” kiến thức trong những lần phải học trực tuyến khiến em thiếu tự tin.

“Mỗi lần trường dừng học trực tiếp, em phải ở nhờ nhà bạn dưới trung tâm mới có sóng để theo học trực tuyến. Nhưng mạng ở đây cũng chập chờn nên sự tương tác không được bằng trên lớp, một số nội dung khó em không hỏi luôn được cô giáo. Em khá lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới vì một số kiến thức chưa chắc chắn”, Hương tâm sự.

Cô Phạm Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm của Hương cho biết: Không riêng trường hợp của Hương, trong lớp có nhiều học sinh nhà ở vùng khó cũng gặp tình trạng tương tự. 3 năm học vừa qua, dịch bệnh tác động khiến một số lần nhà trường phải dừng học trực tiếp. Công tác giảng dạy cũng như quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh vì thế gián đoạn theo.

Còn tại Trường THPT Mường Nhà (huyện Điện Biên) – nơi có 110 học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp sắp tới - theo thầy giáo Đỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng nhà trường, đa phần các em đều cảm thấy áp lực trước kỳ thi. Cùng với đó là tâm lý hoang mang trong việc lựa chọn ngành, nghề phù hợp.

“Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số thời điểm trường phải đóng cửa khiến việc học của các em bị gián đoạn. Trong khi đây là vùng đặc biệt khó khăn nên việc học trực tuyến tạo ra nhiều áp lực từ việc thiếu thiết bị, hạ tầng điện, sóng không đảm bảo”, thầy Thượng chia sẻ.

Không riêng tại Điện Biên, việc lựa chọn ngành, nghề phù hợp cũng là nỗi lo của nhiều học sinh, phụ huynh tại xã vùng cao Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu). Theo cô Nguyễn Thị Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ka Lăng, nhà trường vừa phải dừng học trực tiếp 1 tháng để phòng chống dịch. Do đây là thời điểm quan trọng đối với học sinh khối 12 khiến nhiều em lo lắng.

“Huyện Mường Tè vừa trải qua thời gian căng thẳng về dịch. Mặc dù chúng tôi rất nỗ lực song việc tổ chức dạy học trực tuyến không thể ổn định và hiệu quả bằng trực tiếp. Nhiều em bày tỏ lo lắng khi lượng kiến thức bị rơi vãi, kết quả thi không được như mong muốn nên ảnh hưởng đến việc lựa chọn hướng đi, ngành nghề”, cô Ngọc cho hay.

Cũng theo cô Ngọc, trước Tết trường chủ động cho học sinh ôn thi tốt nghiệp một số môn. Tuy nhiên ra Tết phải nghỉ dịch kéo dài nên việc ôn luyện cũng tạm dừng, đến nay chưa tổ chức lại được. “Trường đang cố gắng đẩy nhanh chương trình học kỳ II. Dự kiến cuối tháng Tư bắt đầu tổ chức ôn thi trở lại nên nhiệm vụ khá nặng nề”, cô Ngọc nói.

Hoạt động tư vấn hướng nghiệp có sự phối hợp giữa trường và các tổ chức trong năm vừa qua bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp có sự phối hợp giữa trường và các tổ chức trong năm vừa qua bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Thầy cô tìm cách “mở hướng”

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, năm học này cô Phạm Thị Huyền đặc biệt quan tâm nắm bắt, ổn định tư tưởng cho học sinh, để giúp các em đưa ra lựa chọn đúng đắn.

“Là giáo viên chủ nhiệm, tôi phối hợp với thầy cô bộ môn để trao đổi, củng cố, hỗ trợ kiến thức cho các em; đồng thời trò chuyện để hiểu năng lực, sở trường, thậm chí là hoàn cảnh của từng em để đưa ra gợi ý phù hợp. Trong đó, quan trọng nhất là động viên tinh thần để các em không bị xáo trộn tâm lý, nhất là thời gian này, cần tập trung để ôn luyện”, cô Huyền cho hay.

Đối với Trường THPT Ka Lăng, học sinh khối 12 đã hoàn thành đăng ký nguyện vọng. Trong tổng số 132 học sinh có 51 em có nguyện vọng vào đại học, số còn lại chỉ đăng ký xét tốt nghiệp.

Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường, để học sinh đưa ra được lựa chọn phù hợp, đơn vị đã chủ động trong việc định hướng ngay từ đầu khóa. “Khi học sinh vào trường, chúng tôi đã phân luồng dựa trên năng lực, sở trường của từng em. Từ đó giúp các em xác định hướng đi cho mình. Trong quá trình học, có hơn chục em thay đổi hướng đi và được giáo viên theo sát để tư vấn, giúp đỡ.

Gần đây, do dịch bệnh phức tạp nên chúng tôi chỉ đạo thầy cô đẩy mạnh hoạt động tư vấn thông qua hệ thống mạng xã hội, Zalo. Học sinh sẽ được tư vấn cụ thể qua việc phân tích lực học, khả năng và cả hoàn cảnh gia đình. Bởi vậy, mặc dù số học sinh đăng ký vào đại học không nhiều, song tôi cho rằng đây là kết quả thực chất. Việc phân loại tốt sẽ giúp các em không đưa ra lựa chọn quá sức, hoặc yên tâm hơn với hướng đi của mình”, cô Ngọc chia sẻ.

Còn tại Trường THPT Mường Nhà, nhằm lấp “khoảng trống” về kiến thức và ổn định tâm lý, thầy cô tận dụng tối đa thời gian ở trường của học sinh để quản lý, tổ chức ôn luyện. Mỗi tối đều phân lịch, bố trí cho toàn bộ học sinh nội trú tổ chức các hoạt động ôn tập trên lớp.

“Chúng tôi phân 2 giáo viên để quản lý hỗ trợ các em. Tuy nhiên, vào thời gian cao điểm, dựa trên tình hình thực tế và nguyện vọng học sinh để bố trí giáo viên bộ môn kèm cặp và củng cố thêm kiến thức còn thiếu hoặc yếu”, thầy Thượng cho hay.

Ngoài ra, trước khi cho học sinh đăng ký nguyện vọng, nhà trường đều có các hoạt động rà soát, đánh giá năng lực, điều kiện hoàn cảnh học sinh qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. Đặc biệt, thông qua một số dự án hỗ trợ, nhà trường đã kết nối để tổ chức các buổi truyền thông, nâng cao năng lực cho cả học sinh và giáo viên trong định hướng, tư vấn nghề nghiệp.

“Qua rà soát đa phần học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn. Các em thường thiên về tổ hợp môn xã hội. Bởi vậy, nhà trường tập trung định hướng cho các em lựa chọn những ngành nghề được hỗ trợ học phí, như một số trường công an, quân sự, sư phạm hoặc đi học nghề. Một số em có lực học nổi trội hơn sẽ có nhiều lựa chọn phù hợp”, thầy Thượng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ