Chọn nghề phải dựa vào nhu cầu xã hội
Chỉ còn hơn một tháng nữa bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng em Nguyễn Văn Hải (HS lớp 12, Trường THPT Nghi Xuân) băn khoăn chưa biết phải chọn ngành nghề gì sau 12 năm ngồi trên ghế phổ thông. Bố mẹ Tuấn thì nhất quyết muốn em phải vào một trường đại học, dù là trường nào đi chăng nữa để gia đình "hãnh diện" với họ hàng còn không để cho Tuấn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuấn cho biết: "Bố mẹ luôn mong muốn em sẽ đỗ vào một trường đại học nào đó trong nước. Tuy nhiên, nhìn vào năng lực học của mình thì khả năng để đạt điểm cao vào trường mình ưa thích là điều rất khó".
Dù chưa chọn được hướng đi cho mình, song Tuấn luôn mong muốn và có nguyện vọng được học du lịch vì bản thân có vốn ngoại ngữ khá tốt, hơn nữa đây là ngành nhề địa phương đang cần. Thế nhưng, em đang băn khoăn vì ở Hà Tĩnh không có trường dạy, còn học xa nhà thì chi phí rất tốn kém. Có lẽ việc lựa chọn học đại học hay học nghề với Tuấn là vấn đề khó khăn. Định hướng về nghề nghiệp với Tuấn hay bất kỳ một bạn nào sau khi tốt nghiệp THPT là một hành trình lựa chọn.
Hiện nay, không ít phụ huynh cho rằng con đường duy nhất là phải học đại học, còn không thì chỉ có đi XKLĐ. Suy nghĩ này gây áp lực lớn khiến nhiều học sinh phải chịu sức ép rào cản về lựa chọn hướng đi cho tương lai. Thực tế, do bằng mọi giá phải vào đại học dẫn đến tồn tại nhiều bạn "nhắm mắt" vào những trường không phù hợp với bản thân, đam mê, để khi vừa bước vào giảng đường gây nên sự chán nản, muốn bỏ học. Do lựa chọn những ngành nghề mà xã hội đang "dư thừa", nên nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, phải kiếm sống bằng những công việc phổ thông, nhiều người "giấu bằng" đại học để xin làm những công việc không cần bằng cấp.
Trước đó, vào năm 2019, tại diễn đàn "Bỏ đại học đi học nghề, chuyện lạ?" Trước câu hỏi nếu một bạn trẻ hay phụ huynh nhờ tư vấn về những băn khoăn không biết có nên chọn học nghề, ông sẽ nói gì? Ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH trả lời: "Lựa chọn ngành nghề trước tiên dựa trên sở thích, năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Dự hội thảo, hội nghị ở các địa phương, tôi hay hỏi những bạn trẻ đang phục vụ tại đó học ở đâu ra. Rất buồn là nhiều bạn cho biết từng học đại học này, đại học kia nhưng giờ lương chỉ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Rất ít các bạn trong số này được đào tạo về nhà hàng, khách sạn, du lịch. Trong khi đó, cũng tại các nơi đó, những bạn khác làm pha chế, nấu ăn có chứng chỉ nghề có mức lương cao hơn 3 - 5 lần mà không có người để tuyển".
Câu chuyện ở Hà Tĩnh
Trong bối cảnh hội nhập, các nhà đầu tư đua nhau "rót tiền" vào các dự án lớn, nhất là về du lịch ở Hà Tĩnh. Để phát triển những dự án này, chủ đầu tư luôn ưu tiên tìm kiếm những lao động địa phương có kỹ năng thực tiễn công việc. Chị Phan Thị Thúy (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) chia sẻ: "Sau khi ra trường với tấm bằng sư phạm loại giỏi, tôi được nhận dạy hợp đồng cho một trường cấp 3 tại thành phố Hà Tĩnh. Tuy nhiên, dạy được 2 năm thì đành phải nghỉ dạy theo chính sách cắt giảm giáo viên hợp đồng của địa phương". Với chị lúc này, tấm bằng đại học loại giỏi từng được gia đình, bạn bè tung hô, ngưỡng mộ khi ra thực tế đời thường không được áp dụng thì cũng xem như "của để dành".
Thời gian gần đây, chị Thúy nộp hồ sơ xin vào làm việc tại một khu du lịch ven biển huyện Lộc Hà, song do không có kỹ năng và bằng về ngành nghề du lịch - dịch vụ nên chị Thúy không được nhận. "Khi tôi nộp hồ sơ xin việc, quản lý khu du lịch tỏ ra bất ngờ bởi thấy tôi có tấm bằng đại học loại giỏi nhưng vẫn đi xin làm nghề. Song anh quản lý nói, chỉ tuyển nhân viên có kiến thức và bằng cấp về du lịch. Tôi đành phải về xin dạy tại một trường mầm non tư thục gần nhà", chị Thúy cho biết.
Vợ chồng anh Lê Văn Long và chị Nguyễn Thị Lan (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân), cả hai đã tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc. Hai vợ chồng trẻ đành "treo bằng" đi XKLĐ Hàn Quốc. Hơn một năm trước, do vượt ra ngoài làm việc bất hợp pháp nên anh Long bị bắt về nước và sau đó đành phải tìm một công việc trái ngành ở nhà. Anh Long cho biết, thời gian gần đây nhu cầu việc làm về ngành du lịch - dịch vụ - khách sạn trên địa bàn Hà Tĩnh rất nhiều. Anh mong muốn vợ về nước để xin việc, nhưng do chưa có bằng cấp và kiến thức về lĩnh vực du lịch nên vợ chồng trẻ chỉ mới dừng lại ở ý định.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Vabis - Hồng Lam Xuân Thành, chủ đầu tư dự án Hoa Tiên Paradise - Xuân Thành Golf and Resort (tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân) đang "trăn trở" khi dự án vào hoạt động sẽ cần từ 200 - 500 nhân viên, song đến thời điểm hiện tại địa phương Hà Tĩnh không đáp ứng được nguồn nhân lực làm việc chuyên môn về du lịch.
Trước đó, Báo GD&TĐ đã có bài "Hà Tĩnh: Trường nghề bỏ hoang dù doanh nghiệp thiếu nhân lực" bàn về việc một số trường dạy nghề tại Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng, nhưng bỏ hoang vì không hiệu quả. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư dự án lại cho rằng địa phương chưa đáp ứng được nguồn lao động chuyên môn. Đây là một thiệt thòi lớn cho con em địa phương Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập, phát triển kinh tế.