Chọn ngành hợp tương lai

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - TS Lê Việt Thủy, Đại học Kinh tế Quốc dân khuyên các em hãy chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, song cũng phải đón đầu xu thế.

Chọn ngành hợp tương lai

Hơn 70% sinh viên cho rằng chọn nghề không hợp

Thầy Võ Anh Tuấn (Tuấn BB) giáo viên Tiếng Anh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Tâm lý của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa ngành mình học. 50,8% không biết học xong sẽ làm gì và nơi nào sẽ tuyển dụng. Có đến 70,6% sinh viên cho rằng họ ít thỏa mãn về nghề đã chọn, học mới biết không hợp. 32,4% sinh viên cho rằng sẽ thi lại đại học nếu được lựa chọn.

Khảo sát của ngành giáo dục Cần Thơ với hơn 12.000 học sinh trong năm 2020-2021 cho thấy 55% học sinh không biết cách chọn ngành và nghề phù hợp, 45,5% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì. Đáng báo động là 77,6% các em mong muốn được tư vấn tuyển sinh vì không được ai hỗ trợ.

55% học sinh không biết cách chọn ngành và nghề phù hợp. Ảnh minh họa

55% học sinh không biết cách chọn ngành và nghề phù hợp. Ảnh minh họa

TS Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, xu hướng chung là ngành sẽ chọn người. Vì vậy, các em hãy luôn trau dồi tự học để ứng phó với những thay đổi trong tương lai. Do đó hãy chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, song cũng phải đón đầu xu thế phát triển trong tương lai. Đó cũng là lý do nhà trường mở hàng loạt các ngành đặc thù phục vụ nhu cầu thị trường. Đây là những ngành “hot” để thí sinh lựa chọn năm nay bởi những ngành này đem lại năng lực tiếng Anh tốt, đào tạo theo chuẩn quốc tế. Đây là những ngành có hướng phát triển tốt trong tương lai.

“Nếu các em chưa có định hướng nghề, các em có xu hướng sẽ chọn các ngành hot. Tuy nhiên, nguyên tắc xét tuyển của Bộ GD&ĐT nhiều năm nay là có nhiều nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Nên chọn ngành phù hợp với năng lực, có điểm chuẩn tương đồng thì tỉ lệ thành công sẽ cao. Còn nếu chọn được ngành vừa hot lại vừa đúng với năng lực, sở thích của mình thì tốt quá”, TS Thủy nói.

Theo thầy Võ Anh Tuấn, ngoài chọn ngành nên tìm hiểu kỹ về trường mình muốn theo học. Môi trường, cơ sở vật chất, điều kiện đào tạo… cũng rất quan trọng để phát triển sở thích, đam mê nghiên cứu. Những trường có nền tảng tốt, nhiều hoạt động bổ ích đương nhiên sẽ giúp khoảng thời gian học tập trở nên hứng thú, đạt hiệu quả cao hơn.

Dùng bài test để định hướng nghề phù hợp

Sinh viên Phạm Hà An - Lớp Kinh doanh quốc tế Tiên tiến 61B - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, khi chọn ngành, ngoài yếu tố sở thích của bản thân thì nên tham khảo ý kiến phụ huynh, thầy cô giáo. Từ đó hiểu được các ngành mình ưa thích để có lựa chọn đúng đắn nhất. Khi chọn ngành nên dựa trên đam mê. Hiện có nhiều công cụ để tìm hiểu sở thích cá nhân là gì, sở thích đó sẽ được phát triển tốt nhất trong các nhóm ngành nào. Ví dụ như các bài bài test 16 nhóm tính cách sử dụng công nghệ AI để giúp các bạn để định hướng lĩnh vực phù hợp. Những ngôi trường nằm trong top đầu tất nhiên sẽ là lựa chọn hàng đầu.

Trong thời kỳ có nhiều biến đổi như hiện này, ngoài các chuyên ngành đã chọn, các em nên chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động.

Trong thời kỳ có nhiều biến đổi như hiện này, ngoài các chuyên ngành đã chọn, các em nên chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động.

Sau khi hiểu bản thân muốn gì, phù hợp với ngành nào thì những ngôi trường nằm trong top đầu đương nhiên sẽ là lựa chọn đầu tiên. “Khi tôi lựa chọn vào Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi có được môi trường học tập tốt, năng động, ngoài kiến thức còn được tham gia nhiều hoạt động khác như các câu lạc bộ”, Hà An chia sẻ.

Cũng theo TS Lê Việt Thủy, hiện trên mạng có rất nhiều chương trình tư vấn, các phần mềm, bảng test để biết mình phù hợp với ngành nghề nào, các em hoàn toàn có thể tham khảo. Tuy nhiên qua kinh nghiệm đào tạo hơn 20 năm thì TS Thủy nhắc lại xu thế sau này, ngành nghề sẽ chọn người. Trong thời kỳ có nhiều biến đổi như hiện này, ngoài các chuyên ngành đã chọn, các em nên chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động. Luôn trau dồi, tự học, tự mở rộng kiến thức ra nhiều lĩnh vực để kịp thời ứng phó với những thay đổi trong tương lai.

“Những gì học được trong nhà trường hôm nay, có khi 5-10 năm nữa bị lạc hậu mất rồi. Các em cần có khả năng tự học để thích ứng. Một trong những nội dung mà chúng tôi mong muốn đưa vào đào tạo là khả năng phân tích dữ liệu để khi ra trường, sinh viên có thể thích ứng tốt khi công nghệ đang hiện diện khắp mọi nơi, mọi mặt trong đời sống”, TS Lê Việt Thủy nói.

TS Thủy ví dụ, hệ thống tư vấn tuyển sinh của nhà trường hiện được sử dụng chatbot trả lời tự động, chỉ một số ít câu hỏi mới cần con người. Hệ thống này được phát triển bằng chính các sinh viên trong trường để đáp ứng yêu cầu thực tế. Sinh viên theo học Đại học Kinh tế Quốc dân không quá quan trọng việc chọn ngành bởi cơ hội được đào tạo diện rộng rất lớn. Sau khi vào trường vẫn có cơ hội học ngành thứ 2 theo mong muốn, tất nhiên sẽ vất vả hơn nhưng ra trường có hai bằng, khả năng tìm việc sẽ tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ