Chọn đam mê nhưng phải thực tế
Phạm Đình Dương, thủ khoa kép trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để định hướng trường và ngành học, cần xác định được đâu là đam mê. Điều này phải nhìn nhận thực sự nghiêm túc chứ không phải là sở thích nhất thời, bồng bột. Đam mê phải dựa trên những yếu tố thực tế, có cơ sở thực hiện.
“Em là người thích học các môn tự nhiên, và cảm thấy bản thân thích thú với máy móc, công nghệ nói chung. Do đó em nghĩ mình sẽ theo học một trường về công nghệ. Từ đó định hướng công việc sau này sẽ là kỹ sư để làm việc liên quan đến công nghệ”, Dương nói.
Cũng theo thủ khoa kép trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi bạn trẻ nên biết bản thân có khuynh hướng gì để chọn các nhóm ngành trước khi chọn trường. Ví dụ, sở thích của bạn có thể được xếp vào nhóm ngành công nghệ, nhóm ngành kinh tế hay nhóm ngành nghiên cứu xã hội,… Sau đó, cần nhìn nhận kỹ lưỡng hơn về các ngành nhỏ trong nhóm ngành, bằng cách tham khảo các chương trình tư vấn tuyển sinh. Đừng ngại đặt câu hỏi và nói chuyện với những người có kinh nghiệm thuộc lĩnh vực đó,… từ đó có thể chọn ngành phù hợp nhất với bản thân.
“Dĩ nhiên trong quá trình học và thậm chí đi làm, nhiều người sẽ còn thay đổi, sẽ thấy thích cái A hơn cái B, thấy cái C mê hơn cái D, thì vẫn có thể chuyển khi những ngành đó “gần nhau”. Vì vậy việc chọn 1 nhóm ngành đúng là ưu tiên hàng đầu”, Dương nói.
Cũng theo Phạm Đình Dương, hiện giới trẻ rất nhiều người mắc hội chứng “đứng núi này trông núi nọ”. Có người vừa gặp khó khăn trong công việc hiện tại đã chán nản, mà chuyển hướng bất ngờ sang cái khác.
Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định, cần suy nghĩ, tìm hiểu và cân nhắc kỹ. Bạn trẻ nên cố gắng hết sức ở lĩnh vực hiện tại bởi khi đã toàn tâm toàn ý, quen việc thì mới thích được, chứ không phải mới bắt đầu đã thích ngay.
Từ kinh nghiệm của bản thân khi đã trải qua cảm giác lo lắng, băn khoăn trong việc chọn trường Đại học, Lê Thị Nguyệt, thủ khoa kép trường ĐH KHXH và Nhân văn chia sẻ, không nhất thiết phải chọn trường theo xu hướng của thời đại. Bạn trẻ nên ưu tiên chọn ngành học phù hợp với năng lực, thế mạnh của bản thân. Bởi nếu chạy theo ngành hot nhưng bản thân không yêu thích, vượt quá khả năng thì rất có thể bạn đã bỏ lỡ rất nhiều thời gian.
Ngược lại, ngành học mà bạn thích có thể không phải là ưu tiên ở thời điểm hiện tại nhưng sau khi kết thúc 4, 5 năm học ở Đại học, xu hướng nghề nghiệp có thể đã thay đổi. Nhờ đam mê và chọn đúng sở trường, bạn sẽ tự mở ra nhiều cơ hội cho bản thân mà không nhất thiết phụ thuộc vào thị trường lao động.
Đừng học để thi
Với nhiều học sinh, khi hướng nghiệp, các em có thể chọn được ngành, nghề phù hợp. Nhưng môi trường học mới khiến nhiều bạn trẻ “sốc” vì có sự khác biệt với cấp học trước đó dẫn đến chán nản. Vì vậy, cần có những tìm hiểu, định hướng và phương pháp học từ đầu để dễ dàng làm quen khi bước vào cấp học cao hơn.
Theo thủ khoa Phạm Đình Dương, ở đại học rất khác với phổ thông. Phần là do môi trường đại học yêu cầu tính tự giác và khả năng nghiên cứu độc lập cao. Do đó, điều đầu tiên cần làm là phải nghiêm khắc với bản thân, đảm bảo rằng mỗi ngày phải dành thời gian học nghiêm túc vài giờ đồng hồ.
Thầy cô sẽ không kiểm tra bài cũ, kiểm tra 15 phút để nhắc nhở học tập như thế nào. Do đó, mỗi người cần chủ động bao gồm làm đầy đủ bài tập, chủ động hỏi thầy cô và bạn bè những điều còn thắc mắc.
“Học thầy không tày học bạn, chúng em có một nhóm bạn thân cùng tiến. Có bạn chuyên Toán, có bạn chuyên Lý, có bạn chuyên cả 2. Từ đó, nhóm tạo không khi học tập thi đua, cùng nhau giải quyết các vấn đề khó. Nhóm cũng thường xuyên cùng nhau ôn tập trước kỳ thi. Điều này rất quan trọng khi sinh viên phải đi đường dài trong suốt 4-5 năm đại học”, thủ khoa kép trường Đại học Bách Khoa chia sẻ.
Với thủ khoa Lê Thị Nguyệt , một số sinh viên thường đợi đến gần ngày thi mới gấp rút ôn tập. Điều này sẽ không mang lại hiệu quả gì cho việc học mà chỉ là cách tạm thời để trải qua kỳ thi. Bởi thời điểm đó, nhiều môn học bị dồn lại, không đủ thời gian ôn luyện, dẫn đến tình trạng học qua loa.
“ Nếu như mỗi ngày đều dành thời gian học tập thì sẽ không còn khái niệm học để đi thi nữa. Thay vì đến sát kỳ thi mới vội vàng ôn tập không hiệu quả thì ngay từ đầu, với mỗi môn học, buổi học cần cố gắng học, hiểu kiến thức ngay trên lớp. Đến kỳ thi chỉ cần giành thêm một chút thời gian củng cố lại kiến thức là có thể tự tin đạt kết quả tốt”, Vi chia sẻ.