Chọi… nhện

GD&TĐ - Người Philippines có một trò chơi truyền thống mà ai sợ nhện không dám tin - trò chọi nhện.

Trẻ em Philippines không hề sợ nhện. Ảnh: Sapiens.com
Trẻ em Philippines không hề sợ nhện. Ảnh: Sapiens.com

Trẻ em Philippines thích thú tìm bắt những con nhện hung dữ nhất, nuôi nhốt trong hộp hoặc chai rỗng và đem ra cho đánh nhau như chơi chọi dế.

Trò chơi khác biệt

Philippines là quốc đảo thuộc khu vực Đông Nam Á, có diện tích khoảng 300 nghìn km2 và dân số khoảng 113,9 triệu người. Khác với phần lớn các nền văn hóa khác trên thế giới luôn cảnh giác mọi người tránh xa lũ nhện, người dân nơi đây thích thú chơi với nhện từ thuở bé.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Laguna. Từ nhỏ, tôi đã rất giỏi chơi chọi nhện và luôn chơi nó với bạn bè cùng khu phố”, nhà nhân chủng học Gideon Lasco kể lại.

Tiếng Philippines gọi trò chơi chọi nhện là laro ng gagamba. Về hình thức, nó khá giống với trò chơi chọi dế thịnh hành ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á.

Đấu sĩ chọi nhện, tất nhiên, là nhện. “Hồi nhỏ, cứ rảnh rỗi là tôi lại chạy ngay vào rừng để lùng bắt những con nhện hung dữ nhất, mạnh nhất và độc nhất, sau đó nhốt vào chai thuốc rỗng hoặc hộp diêm rồi nuôi bằng kiến, chấu chấu… đợi đến khi có bạn rủ chơi chọi nhện”, nhà nhân chủng Lasco kể tiếp.

“Đấu trường” của chọi nhện là một cái que dài, thường là que cuống chổi. Ngoài chủ nhân của 2 “đấu sĩ nhện”, còn một trọng tài và em này phụ trách cầm que. Mỗi chủ nhân của đấu sĩ nhện đều tích cực thúc con nhện của mình đi về phía đối thủ và chiến đấu. Trận chọi nhện diễn ra rất chóng vánh, có khi chỉ mất vài giây và nhiều nhất là vài phút. Con nhện bị thua là con bị giết, bị đuổi chạy liên tục hoặc rơi khỏi que.

Trẻ em Philippines đặt tên cho các loài nhện hay bắt được dựa trên đặc trưng ngoại hình, chủ yếu có 3 loại: Nhện tròn (gagambang botchog), nhện linh mục (gagambang pari) và nhện X (gagambang ekis). Ngoài ra, các em cũng đặt biệt danh theo màu sắc hoặc tên nhân vật hoạt hình, ví dụ như nhện đỏ (gagambang pula) hoặc Voltes V.

Đô thị và số hóa có thể sớm đẩy chọi nhện vào dĩ vãng. Ảnh: Sapiens.com

Đô thị và số hóa có thể sớm đẩy chọi nhện vào dĩ vãng. Ảnh: Sapiens.com

Kết nối và thân thiện

Với hầu hết các nền văn hóa trên thế giới, nhện là động vật nguy hiểm. Theo cơ sở dữ liệu toàn cầu về người bị nhện cắn được thu thập thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội trên 81 quốc gia từ năm 2010 - 2020, có 2.644 “cuộc chạm trán” đầy kịch tính giữa người và nhện, gây nên 1.121 vết cắn và 147 vụ tử vong.

Sợ nhện là chuyện thường thấy. Tuy nhiên, trong số 50 nghìn loài nhện đã được xác nhận, chỉ có khoảng 200 loài có nọc độc, tức là chỉ chiếm chưa tới 0,5%. Thêm vào đó, hầu hết các loài nhện có độc đều sống cách xa con người. Nhờ chọi nhện, người Philippines không một chút sợ hãi đối với loài động vật này. Thậm chí, nhiều người còn nuôi những con nhện độc đáo như thú cưng, hết lòng chăm bẵm và yêu quý.

Sau mỗi cuộc chơi, cũng có đấu sĩ nhện bị thương. Trẻ em Philippines thường cố cứu chữa bằng cách bỏ lá mướp đắng được cho là có tính năng giúp nhện phục hồi vào trong hộp, chăm chỉ bắt côn trùng và đưa cả cơm, thịt cho chúng ăn.

“Với người Philippines chúng tôi, chọi nhện không chỉ là một trò chơi, góp phần hình thành mối liên kết thân thiết giữa người với người, mà còn là phương thức kết nối con người với tự nhiên”, nhà nhân chủng học Lasco nói tiếp.

Trận chọi nhện diễn ra rất nhanh, chỉ vài giây đến vài phút. Ảnh: Sapiens.com

Trận chọi nhện diễn ra rất nhanh, chỉ vài giây đến vài phút. Ảnh: Sapiens.com

Vẫn có mặt xấu

Trong khi trẻ em Philippines chỉ chơi chọi nhện cho vui thì thanh niên và người lớn lại chơi vì mục đích tư lợi là cá cược. Đầu thập niên 2000, nhà văn hóa Ty Matejowsky đã thực địa, nghiên cứu về chọi nhện ở tỉnh Pangasinan, phát hiện thanh niên ở đây săn nhện, huấn luyện chọi làm công cụ kiếm tiền phi pháp.

Năm 2014 - 2015, nhà văn hóa Barrion-Dupo cũng tiến hành một cuộc khảo sát với 300 người chơi chọi nhện ở Bắc Mindanao, phát hiện số tiền đặt cược cho một vụ chọi nhện có thể lên đến 10 nghìn peso. Tay chơi cá cược chọi nhện còn điên cuồng đầu tư vào nhện bằng cách cho chúng ăn nhiều loại vitamin và chất bổ sung để tăng lực như sữa, mật ong…, thậm chí cả sữa người.

Ngoài cá cược, trò chơi chọi nhện còn mang đến một… thảm họa sinh thái là làm suy kiệt quần thể nhện. Nếu ở các loài động vật khác, con được chọn làm “đấu sĩ” là con đực thì ở nhện là con cái, thường là con cái đang trong thời kỳ sinh sản (hung dữ hơn vì cần bảo vệ trứng). Nhiều nhà nghiên cứu đã bày tỏ sự lo ngại, kêu gọi Philippines hãy chấm dứt chọi nhện để ngăn chặn nguy cơ này.

“Theo như tôi biết, ở Philippines, quyền động vật không bao gồm cả nhện”, nhà văn hóa Matejowsky cho biết. Tuy nhiên, trong thời đại nâng cao nhận thức về bảo vệ tự nhiên ngày nay, người dân Philippines cũng ý thức được nguy cơ này và chấm dứt trò chơi chọi nhện.

Philippines cũng đang ngày càng hiện đại hóa, trẻ em hứng thú với công nghệ số và các trò chơi điện tử, chương trình giải trí…, ngày càng ít em vào rừng bắt nhện về chơi. Với phần lớn các em ở thành thị, nhện mà các em biết là nhân vật Người Nhện của Marvel Comics chứ không phải con nhện.

“Gần đây, tôi trở lại phố cũ và nhận ra, không còn trẻ em nào mạo hiểm vào rừng săn tìm nhện đem về chơi như tuổi thơ tôi đã từng”, nhà nhân chủng học Lasco công nhận.

Mặc dù sự lụi tàn của chọi nhện là chắc chắn và không thể tránh, ông vẫn kỳ vọng, cái hay và đẹp của trò chơi này vẫn đọng lại trong ký ức dân tộc Philippines. Với nó, các thế hệ tiếp theo của Philippines sẽ tiếp tục không sợ nhện và nhờ thế, lối sống thân thiện với nhện cũng có khả năng được duy trì.

Theo sapiens

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.