Nhiều câu tôi nghe thấy chối tai, nhưng quyết định ngậm răng để bỏ qua, dù sao thứ văn hóa bàn tán và can thiệp quá sâu vào chuyện riêng tư của người khác chính là lý do tôi muốn đi thật xa.
Đi xa rồi tôi mới thấy nhớ và tiếc những ngày ở quê nhà, nhớ đến chảy nước mắt món rau muống xào tỏi của mẹ, nhớ món thịt kho tàu xém cạnh của em gái, nhớ nụ cười hiền của bà ngoại, nhớ cả những lời trách móc, những cái đánh yêu của các cô các dì.
Nhiều lúc tôi cố nén nước mắt để sống thật thoải mái với lựa chọn của mình, nhưng chẳng có gì tôi giấu được anh. Một hôm anh bảo: "Anh đặt vé cho em về nhà chơi nhé?". Tôi ngạc nhiên: "Anh về cùng em chứ?". Anh lắc đầu: "Không, mình em về cho thoải mái".
Thế là tôi hớn hở bay về. Mới hơn một năm xa quê mà tôi đã bỏ lỡ biết bao sự kiện. Trong họ nhà tôi xuất hiện rất nhiều gương mặt mới, mọi người giới thiệu tôi mới biết đó là em rể, em dâu và cả cháu dâu của mình nữa.
Đang say sưa "tám" chuyện với các dì thì tiếng nói oang oang của một ai đó vang lên làm tôi giật mình: "Ôi dào ơi! Mợ thiết kế nhà như thế này thì hỏng! Hỏng bét!". Tôi quay sang hỏi dì út: "Ai thế dì?". Dì thì thào: "Con rể dì Hạnh đấy. Sĩ diện lắm, ta ghét!".
Khá tò mò về cậu em rể "oách xà lách" này, tôi bắt đầu chú ý đến lời nói và hành động của cậu ta. Sau câu phán xanh rờn, em rể dắt mợ tôi ra một góc sân, xì xà xì xụp chuyện gì đó, thi thoảng cậu ta cười phá lên như vừa trúng số, mợ tôi gật gù ra vẻ hợp chuyện lắm. Dì út lại thì thào: "Đang buôn chuyện bất động sản đấy, ta không biết thằng đấy giàu cỡ nào nhưng ta ghét!".
Tôi thực sự không hiểu tại sao dì út liên tục nói ghét cậu em rể đó nhưng nhìn cung cách ăn nói của cậu ta thì tôi cũng chẳng thấy ưa chút nào.
Bàn chuyện đất cát chán chê với mợ tôi, em rể bất ngờ quay sang bắt chuyện tôi: "Chị Thảo ạ? Chị mới từ châu Âu về phải không?". Tôi cười xã giao: "Phải rồi! Hồi cưới hai đứa chị không về được". Không ngờ cậu ta chuyển giọng rất nhanh: "Em giận chị quá! Giận cả vợ em luôn, hồi ấy vợ em chẳng kể gì về chị. Nếu biết có bà chị họ ở châu Âu, em đã tài trợ vé cho chị về dự đám cưới rồi".
Nghe em rể tuôn một tràng, tôi ù cả hai bên tai, không biết cậu ta nói đùa hay nói thật. Phải mất vài giây để trấn tĩnh tôi mới thốt lên được một câu: "Chị cũng rất tiếc nhưng bay đi bay lại nhiều tốn kém lắm, chị chưa kiếm được việc làm bên đó, mọi thứ đều phụ thuộc vào anh nhà chị, về quê nhiều chị cũng ngại".
Tôi vừa dứt câu, em rể nhăn mặt: "Suy nghĩ của chị chán quá! Vé máy bay bây giờ rẻ bèo, vài trăm đô chứ mấy. Chị thích thì mỗi năm em tài trợ vé cho chị về hai lần". Nghe em rể nói câu này tôi mới ngớ người ra, cậu ta thực sự chẳng biết gì nhưng rất giỏi chém gió. Tôi chán đến nỗi không muốn nói gì nữa, đành giả vờ đứng lên, xoa xoa lưng: "Ngồi lâu mỏi lưng quá, chị vào nhà uống nước đã nhé".
Lúc ăn trưa, em rể lại là người "to tiếng" nhất mâm, cậu ta rót rượu mời hết người nọ đến người kia rồi chạy ra chỗ tôi, cất giọng lè nhè: "Chị! Uống với em một chén nào, gớm, ở châu Âu thôi mà mỗi năm chỉ về được một lần, chán chị quá. Em mà như chị, tháng em về lần".
Tôi thẳng thừng từ chối: "Chị không biết uống em ạ". Em rể mặt đỏ gay: "Ô hay, chị cứ bảo không uống được là xong à? Đáng nhẽ em phải uống với anh nhà chị cơ, nhưng anh không về thì chị phải uống thay anh". Tôi quả quyết: "Anh nhà chị không uống một giọt rượu nào, bia cũng không". Em rể lắc đầu: "Ô, em không ngờ anh nhà chị kém thế đấy! Đàn ông mà không rượu bia chỉ là hạng bét".
Tôi không rõ em rể đã uống bao nhiêu chén mà phát ngôn ngày càng thiếu kiểm soát. Nhưng lúc ấy tôi mới thấm thía câu nói của dì út. Tôi thực sự ghét cách nói chuyện của em rể, tôi đã tự nhủ: "Quá may vì mình không lấy phải một người chồng như thế".