Cho trẻ tự do xem Youtube nguy hiểm như để trẻ tự chạy trên đường quốc lộ

GD&TĐ - Gần đây, cộng đồng phụ huynh đang dấy lên mối lo ngại về một số clip dành cho trẻ em trên Youtube có nội dung xấu. Nổi bật là thử thách Momo, các nhân vật hoạt hình bị xuyên tạc với nhiều hành động bạo lực, thậm chí xúi giục trẻ em tự tử...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bàn về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương nhận định: "Tham gia vào các mạng xã hội khi trẻ còn nhỏ, chưa đủ hiểu biết để phân loại và chọn lọc những thứ hữu ích cho mình giữa một rừng thông tin, phần mềm, clip... như thế giới trên internet là hành động nguy hiểm, giống như cho con chạy nhảy trên đường quốc lộ mà không có biện pháp an toàn nào".

Ảnh hưởng nặng nề về tâm lý

Khi trẻ tiếp xúc với những clip chứa nội dung độc hại như chém giết, máu me, tự sát,... chắc chắn tâm lý non nớt của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phân tích sâu về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương cho rằng: "Khi chứng kiến một đám tang buồn thảm, một vụ tai nạn kinh hoàng,... tâm trạng của bạn sẽ bị kéo chùng xuống, u uất đến vài ngày không hết. Với trẻ nhỏ, ánh nhìn thơ ngây về mọi vấn đề và cả sự thiếu tin tưởng về bản thân... mọi việc sẽ đáng sợ hơn nhiều.

Do đó, mọi tác động đến trẻ sẽ để lại vết hằn tâm lý lớn hơn với người lớn gấp bội lần. Đứa trẻ lần đầu tiên nhìn thấy một hình ảnh ma quỷ lướt qua cũng có thể rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài vài tháng trong khi với bố mẹ chúng thì có khi chỉ là cái rùng mình hoặc lè lưỡi rồi thôi. Vì thế, hệ lụy của những clip có nội dung phản cảm sẽ rất lớn với những đứa trẻ".

Giải pháp nào bảo vệ con?

Đặc tính của trẻ là sự tò mò, luôn muốn khám phá những điều mới lạ. Càng cấm đoán lại càng thúc đẩy trí tò mò của trẻ và dẫn đến tình trạng khó kiểm soát đối với các bậc phụ huynh.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, thế giới ảo thượng vàng hạ cám. Bạn có thể nhặt được một mảnh sành để vứt đi chứ chúng ta không thể nhặt được hàng triệu mảnh rác lẫn lộn trong mớ hỗn độn gọi là "mạng xã hội" ấy. Trên mạng xã hội vẫn có vô vàn những nội dung, những clip vô cùng hữu ích.

Vì vậy, hành động xóa ứng dụng độc hại hay cấm đoán tạm thời mà mà các phụ huynh đang áp dụng chỉ là "muối bỏ bể", không thể giúp con họ an toàn hơn. Thậm chí, khi các phụ huynh xóa ứng dụng xong, họ có thể chủ quan bỏ qua các hiểm nguy khác. Điều đó, đôi khi dẫn đến những hậu quả đáng sợ mà các phụ huynh giật mình thì đã muộn.

"Hãy cho con tham gia những cách giải trí an toàn hơn, để trẻ được trải nghiệm và sáng tạo với những hoạt động bổ ích, rèn luyện các kỹ năng phù hợp lứa tuổi, cho đến khi chúng lớn hẳn và biết cách sử dụng mạng xã hội một cách an toàn", đó là lời khuyên của TS. Vũ Thu Hương dành cho các bậc phụ huynh.

"Những cha mẹ thực sự yêu con sẽ dành thời gian để chơi và dạy dỗ con thay vì tống cho nó cái điện thoại hay ipad để rảnh rang làm việc của mình.

Là cha mẹ, bạn cần hoàn thành trách nhiệm, nuôi dạy, chăm sóc con của mình thay vì oán trách một xã hội không an toàn. Không có một xã hội nào an toàn tuyệt đối và bọn trẻ cần phải biết mọi điều để có thể tự chăm lo cho bản thân trước khi thực sự tham gia vào bất kể xã hội nào", TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ