Cho một học đường không khói thuốc

GD&TĐ - Học sinh đang đối diện với nhiều cám dỗ sử dụng thuốc lá. Thế nhưng việc kiểm soát từ gia đình, nhà trường, xã hội còn hạn chế.

Loại bỏ thuốc lá khỏi học đường là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội.
Loại bỏ thuốc lá khỏi học đường là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội.

Nhiều cám dỗ

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh hút thuốc lá, nhưng chủ yếu do các em còn thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc lá; gia đình, nhà trường và xã hội chưa có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục hiệu quả về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người.

Cô Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội) báo động, học sinh ở thành phố lớn, nơi có điều kiện kinh tế hiện nay đã và đang bị lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử khá nhiều.

Việc mua thuốc lá điện tử khá dễ dàng bởi nhiều trang mạng xã hội quảng cáo bán hàng công khai và sẵn sàng chuyển đến tận cổng trường cho học sinh. Giá bán của thuốc lá điện tử nhiều mức từ 70 đến trên 100 nghìn đồng/điếu.

Do thuốc lá điện tử nhiều tiền hơn so với thuốc lá thông thường nên học sinh có thể cùng góp tiền mua và sử dụng chung. Đặc biệt, thuốc lá điện tử không chỉ có học sinh nam sử dụng mà học sinh nữ cũng tò mò, học đòi sử dụng… Việc mua và sử dụng thuốc lá điện tử diễn ra kín đáo hơn nên nhà trường, gia đình khó kiểm soát.

Cô Nguyễn Khánh Chi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, số học sinh sử dụng thuốc lá chiếm khoảng 1% trong tổng số hơn 1.300 học sinh toàn trường. Đặc thù học sinh nông thôn không có điều kiện nên chủ yếu vẫn sử dụng thuốc lá công nghiệp với 20-30 nghìn đồng/bao, không sử dụng thuốc lá điện tử. Vì nhà trường cấm và kiểm soát nên việc sử dụng thường diễn ra bên ngoài nhà trường và rất khó kiểm soát.

Học sinh hút thuốc.

Học sinh hút thuốc.

Gia đình, nhà trường cùng giáo dục

Để xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, bảo vệ sức khỏe học sinh trước hiểm họa do thuốc lá mang lại… cô Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Hà Nội) cho biết nhà trường thường xuyên tuyên truyền về tác hại thuốc lá thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể và lồng ghép vào bài học trên lớp.

Mặt khác, tiến hành kiểm tra nội vụ đột xuất cặp sách học sinh trong trường học. Nếu phát hiện thuốc lá, hoặc tẩu thuốc lá điện tử sẽ lập biên bản, tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới sử dụng… từ đó tuyên truyền giáo dục học sinh; Đồng thời trao đổi với phụ huynh về thực trạng sử dụng thuốc lá của học sinh để biết và kết hợp giáo dục.

Cô Thanh cũng cho biết, do nhiều cha mẹ bận rộn công việc, không nắm bắt được việc sử dụng thuốc lá của con, thậm chí không hiểu biết về các mặt hàng thuốc lá điện tử có trên thị trường mà học sinh có thể sử dụng; Cách thức mua bán trên mạng… Chính vì vậy, nhà trường cũng tuyên truyền để phụ huynh nhận biết, từ đó tăng cường kiểm soát việc sinh hoạt và sử dụng điện thoại của con.

“Học sinh phần lớn mua bán và sử dụng thuốc lá điện tử do tò mò, đua đòi theo bạn bè, anh em quen biết. Vì vậy, gia đình cần kiểm soát chặt chẽ con trong vấn đề trên. Trong trường hợp thấy nghi ngờ, không nên đưa tiền mặt cho học sinh. Từ việc mua sắm đến ăn uống nếu mua thì trực tiếp trả. Tránh đưa tiền trực tiếp cho trẻ đề phòng trường hợp trẻ không ăn sáng tích tiền mua thuốc lá; hoặc có thể rủ bạn bè cùng mua và sử dụng chung…”, cô Thanh trao đổi.

Cô Nguyễn Khánh Chi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) cũng cho biết, hiện tại để loại trừ thuốc lá khỏi môi trường học đường, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền chung toàn trường; lồng ghép giáo dục trong 1 số tiết học có liên quan và các tiết sinh hoạt lớp.

Không những thế, trường còn mời chuyên gia giáo dục, y tế trao đổi với học trò về tác hại thuốc lá từ đó nâng cao nhận thức phòng, ngừa thuốc lá; Tổ chức cho học sinh xây dựng kịch bản và diễn kịch với nội dung phòng chống thuốc lá, các kỹ năng giúp học sinh từ chối sử dụng thuốc lá khi bị bạn bè rủ rê...

Các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh niên, thiếu niên của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong thanh niên, thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ. Có tới 21% nam thanh niên từ 16 - 24 tuổi hút thuốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ