Chợ đồ chơi Trung thu: Đồ ngoại át đồ nội

Chợ đồ chơi Trung thu: Đồ ngoại át đồ nội

(GD&TĐ) - Tết Trung thu đang đến gần cũng là lúc mà thị trường đồ chơi trẻ em sôi động. Dọc hai bên dãy phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu. Nếu quan sát kỹ thì thấy đa phần là các loại đồ chơi nhập ngoại trong đó chủ yếu là của Trung Quốc. Những đồ chơi Việt Nam mang đặc thù của ngày Tết Trung thu xuất hiện với số lượng khiêm tốn, hình thức cũ kĩ không bắt mắt, vì vậy chưa thu hút được người mua.

Vắng bóng đồ chơi truyền thống

Khảo sát trên các dãy phố như Lương Văn Can, Hàng Quạt và Hàng Mã (Hà Nội) – nơi tập trung bán buôn, bán lẻ đồ chơi trẻ em, dễ nhận thấy  đồ chơi trẻ em rất phong phú. Tuy nhiên, đi kèm với chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt thì giá tiền khá chênh lệch nhau. Chị Hà ở khu Văn Quán (Hà Nội) kỹ càng lựa chọn hai món đồ chơi, một bộ xếp hình của Đan Mạch và một búp bê Barbie cho biết: Đồ chơi ngoại nhập giá tiền cao nhưng chất lượng và mẫu mã giống thật, lại được kiểm nghiệm về độ an toàn đối với với trẻ nhỏ. Độ bền của những đồ chơi này cũng rất cao. Được biết bộ Lego mà chị chọn mua có giá 670 ngàn đồng và búp bê có giá 550 ngàn đồng. 

Bên cạnh những loại đồ chơi đắt tiền thì đa số các cửa hàng bán đồ chơi bình dân xuất xứ từ Trung Quốc. Nắm bắt được thị hiếu của trẻ em, các cơ sở sản xuất đồ chơi Trung Quốc đã cho ra mắt nhiều loại đồ chơi nhái theo các nhân vật trong những bộ phim hoạt hình được các em yêu thích như “Sấm chớp và tốc độ”, “Biệt đội siêu nhân cơ động”, “Robot trái cây”, “Đấu trường yoyo”... Các loại “xe hơi” mang tên Cưỡi mây, Tia lửa điện, Phong ảnh, Bạch mã, Sát thủ, Siêu nhân hợp thể... (trong phim “Sấm chớp và tốc độ”) hay những con robot có tên Quýt kiếm sĩ, Đào thích khách, Thơm giác đấu, Nho tia chớp, Táo thiện xạ... (trong phim “Robot trái cây”).

Các em nhỏ khi được đưa đi mua đều thích những loại đồ chơi mà mình đã được xem trên các bộ phim. Với các bé gái, đồ chơi phổ biến là cánh bướm mũ đội đầu với đủ hình thù con vật, đèn phun bong bóng, tóc giả, bờm tóc, tai thỏ có đèn, vương miện, có giá bán từ 30.000 - 100.000 đồng một chiếc… Ngoài ra, các loại đèn lồng bằng nhựa hoặc bằng giấy màu sắc sặc sỡ có giá từ vài chục ngàn. Đó là chưa kể đến những đồ chơi bạo lực như các loại súng, kiếm nhựa vẫn được bày bán tại nhiều gian hàng, khiến phụ huynh phân vân và ái ngại.

Đồ chơi truyền thống mẫu mã chất liệu chưa thu hút khách hàng
Đồ chơi truyền thống mẫu mã chất liệu chưa thu hút khách hàng

Làm sao để đồ chơi truyền thống hút khách?

Các đồ chơi truyền thống của Việt Nam những năm gần đây cũng đã được cải tiến về chất liệu và mẫu mã. Tuy nhiên theo khách quan đánh giá mẫu mã vẫn chưa cạnh tranh được với đồ chơi Trung Quốc. Các đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, trống bỏi đã trở nên quen thuộc trong dịp Tết trung thu. Đã thành thông lệ nên ngoài việc chọn lựa những đồ chơi mới lạ, phần lớn phụ huynh đều lựa chọn cho con những đồ chơi truyền thống.

Chị Lan ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Với mong muốn cho con hiểu thêm về ý nghĩa của Tết Trung thu vì vậy những dịp này chị thường cho các con đi chơi phố cổ để các con có cơ hội được hòa trong không khí của ngày Tết Trung thu và yêu mến thêm phong tục của đất nước. Chị thường hướng dẫn con quan sát những món đồ chơi truyền thống làm thủ công. Chị còn giảng giải cho con ý nghĩa của từng món đồ chơi.

Theo chị Lan, tuy các món đồ chơi này không lạ lẫm với trẻ nhưng nếu được lựa chọn chất liệu tốt và được gia công kỹ hơn thì sẽ thu hút được các em nhỏ hơn. Điểm đặc biệt, các đồ chơi truyền thống của Việt Nam trong Tết Trung thu nếu được tổ chức theo nhóm sẽ rất vui. 

Tại phố Hàng Mã, so với các đồ chơi ngoại đắt tiền thì giá một món đồ chơi truyền thống rất vừa phải từ vài ngàn đến vài chục ngàn. Một chiếc đèn ông sao giá thành từ 8.000đ -  30.000đ tùy loại. Giá mỗi chiếc đầu lân được làm bằng giấy và bìa cứng từ 40.000 - 250.000 đồng, phụ thuộc vào kích thước.

Đèn kéo quân có giá 40.000 - 120.000 đ/chiếc, tuy nhiên, các đường dán còn ẩu, thiết kế khá thô. Mặt nạ giấy hình chú Tễu có giá từ 20.000 - 50.000 đ/chiếc, giá bán không biến động nhiều so với năm ngoái. Nhìn chung các sản phẩm này là hàng thủ công nên nét vẽ không được trau chuốt, chưa tinh xảo vì vậy chưa bắt mắt để thu hút người tiêu dùng.

Theo một chủ cửa hàng bán đồ chơi trên phố Hàng Mã, trẻ em khi đi mua đồ chơi thường thích chọn những loại đồ chơi mới, sinh động. Các đồ chơi truyền thống của mình mẫu mã chưa thay đổi nhiều, chủ yếu là mẫu mã tĩnh nên trẻ em thường không lựa chọn.

V. Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ