Cho con du học sớm: Canh bạc mong manh?

Phụ huynh đừng biến việc du học là cuộc “trốn chạy” của thế hệ trẻ. Ảnh: IT.
Phụ huynh đừng biến việc du học là cuộc “trốn chạy” của thế hệ trẻ. Ảnh: IT.

Bằng mọi giá cho con đi học Canada

Chị Nguyệt Hồng (TPHCM) có con gái lớn năm nay lên lớp 10. Cách đây một năm, chị và con đã xây dựng kế hoạch để hết lớp 9 con có thể đi du học Canada.

Sở dĩ chị quyết tâm cho con đi bởi trong lớp, có tầm 5, 6 bạn cùng đi dịp này và sang học ở Canada. Các bậc phụ huynh đã cùng nhau bàn bạc, tìm hiểu để con có thể đi cùng một lúc, học cùng một trường và không bị quá cô đơn ở xứ người.

Chưa hết, khi các con đi được, mỗi năm, nhóm phụ huynh sẽ cử một mẹ sang chăm sóc, giám hộ các con chứ không để con đi một mình bơ vơ. Ngoài việc học, các con cần phải chăm sóc sức khỏe, ăn uống và thậm chí có nơi chia sẻ buồn vui, lo lắng.

Kế hoạch là vậy nhưng con chị không đi được ngay từ năm đầu tiên. Lý do là nguồn tài chính của vợ chồng anh chị chưa đủ mạnh. Dù thực tế, vợ chồng chị có vài nhà, vài thửa đất ở TPHCM. Nghèo thì chẳng nghèo tí nào, nhưng để chứng minh tài chính lại không đủ minh bạch.

Thế là chị đành phải để con lại 1 năm, và tiếp tục nghĩ cách để có dòng tiền hợp lý hơn. Chị Hồng cho biết, ít nhất tiền luân chuyển trong thẻ của chị phải đủ 70, 80 triệu mỗi tháng, chị mới có thể yên tâm làm hồ sơ cho năm sau. Thế nên, chị nhờ bạn bè giả vờ thuê nhà, mượn đất.

Cứ thế, hằng tháng chị gửi cho bạn bè vài chục triệu tiền mặt, rồi họ lại gửi lại cho chị bằng chuyển khoản.

Chị Hồng xoay xở cho con đi học Canada bằng mọi giá nhưng đôi lúc, chị vẫn than thở với bạn thân, con gái chưa biết nấu ăn, làm gì trong nhà cả. Mỗi lần chị vắng nhà, ba bố con chỉ biết gọi đồ ăn sẵn mang về. Bởi vậy, chị không mấy khi dám đi công tác, thậm chí từ chối cả các chuyến công tác quan trọng, ra tiền, chỉ để ở nhà phục vụ con cái.

Chị cho rằng, mình đã thực sự vì con. Nếu lần này con vẫn bị từ chối nữa là chị chịu, không thể làm gì hơn. Dù vậy, sau cú trượt visa lần một, chị và con cũng bị hẫng mất một thời gian dài. Đứa con phải đi học trường nguyện vọng 3 vì cả nhà dồn hết tâm sức cho lần du học này.

Du học phải là mục tiêu để phát triển của mỗi người. Ảnh: IT.
Du học phải là mục tiêu để phát triển của mỗi người. Ảnh: IT.

Đưa con trai quay lại Việt Nam chỉ sau 1 tháng du học

Đó là quyết định nhanh chóng của ông Lý Quý Trung - một doanh nhân, diễn giả và giảng viên đại học thỉnh giảng, cha đẻ của thương hiệu Phở 24.

Ông Trung chia sẻ trên YouTube rằng, đứa con trai của mình cũng đã từng rất hào hứng du học Úc bởi bạn bè xung quanh con, ai cũng sẵn sàng, háo hức du học.

“Con trai tôi, học giỏi, muốn du học sớm. Hai vợ chồng quyết định cho con sang Úc, ở nội trú đàng hoàng. Một tháng sau, trong khi về Việt Nam thăm nhà, vợ tôi có hỏi han tình hình học hành bên Úc, kế hoạch quay lại bên trường, thì mặt con buồn hẳn. Con bảo: “Mẹ đừng nhắc tới nữa, nhắc tới là buồn”.

Con nói có vậy thôi nhưng bà xã tôi hoảng hồn, hỏi: “Du học không vui, không sướng sao con?” thì con khẳng định: “Không có được vui lắm mẹ ạ”.

Nghe vậy, bà xã báo ngay cho tôi biết. Đặc biệt, con trai tôi rất thân với cha mẹ, gia đình. Ngay hôm sau, chúng tôi báo sang trường xin dừng học và cho con ở lại Việt Nam. Đứa trẻ du học là phải hạnh phúc. Nếu không hạnh phúc, nghĩa là sâu thẳm trong lòng con chưa sẵn sàng.

Chưa kể, con trẻ kinh nghiệm sống có giới hạn nên khả năng tồn tại trong cô đơn là rất khó. Có thể con đòi đi học vì chưa lường hết mọi khó khăn bên đó. Con học trường quốc tế, đa số các em du học sớm, đua bạn đua bè. Hơn nữa, các con biết vô mạng, xem google, tưởng mình có nhiều kiến thức, con nghĩ mình đã lớn, biết cách độc lập… so với thời bố mẹ.

Nhưng thực ra, con thiếu kinh nghiệm nhiều lắm, nhiều con sang bên khóc ròng. Có em còn không dám nói với bố mẹ, vì mình bị hớ!”.

Quyết định cho con về lại Việt Nam chỉ sau 1 tháng du học là quyết định mà theo ông Trung là may mắn, vì con chịu chia sẻ. Nhưng vẫn có không ít ông bố bà mẹ, không cảm nhận được nỗi cô đơn của con, nên đến khi nhà trường gọi báo, đã phải đón về những đứa trẻ trầm cảm, ngơ ngác giữa cuộc đời.

Đừng để con mất đi một người thầy quan trọng nhất trong đời: Gia đình

Ông Lý Quý Trung chia sẻ: “Đối với đứa nhỏ, cha mẹ, ông bà, bạn bè… rất quan trọng. Một đứa nhỏ du học sớm, cái mất lớn nhất là mất đi 1 người thầy quan trọng nhất trong đời. Trong quãng này, cha mẹ, ông bà là người thầy tốt nhất. Vậy mà mình không gần gũi, mà gửi con qua bên kia học, thì chỉ là học chữ, học môi trường mới, còn chắc gì những cái còn lại đã tốt hoàn toàn?

Tôi đồng ý là con đi sớm có thể tiếp cận nền giáo dục hiện đại, nền văn minh sớm, nhất là về ngôn ngữ. Nhưng mất mát là con dễ bị cô đơn. Tôi nhớ ngày xưa tôi đi du học, lúc đó đã 20 tuổi, nhưng cảm giác cô đơn vô cùng.

Đúng là không có gì bằng một đứa nhỏ luôn gần cha mẹ, ông bà. Tôi nhớ, một nhà bác học đã nói: Trí tuệ không phải chỉ ở nhà trường, mà đến từ cả một đời đúc kết. Trí tuệ nó đến như vậy, nó cần 1 đời chứ không phải là mấy năm du học sớm”.

Ông Trung nhấn mạnh thêm, các bố mẹ cần phân định rõ, cho con du học sớm là mong muốn của chính bố mẹ hay từ chính nhu cầu của con. Bố mẹ có thể nở mặt nở mày, hãnh diện với hàng xóm, khi có con du học từ sớm, được học ở trường danh tiếng nọ kia… nhưng chưa chắc điều này đã hay. Đi học phải cho đứa trẻ chứ không phải cho bố mẹ. Du học phải thực sự là niềm vui, hạnh phúc cho con.

“Tôi có một người bạn thân, anh là người thành đạt. Gia đình anh giàu có, cha mẹ giàu có. Nhưng trong thâm tâm anh trách cha mẹ hoài: Tại sao cho anh ấy du học sớm thế, vào nội trú sớm thế. Anh luôn có cảm giác mất mát tình cảm quý giá của cha mẹ. Và anh ấy tự hứa sẽ không bao giờ làm vậy đối với con của mình. Đó cũng là suy nghĩ của tôi, dù tôi cho con du học sớm và khi phát hiện ra điều này, tôi đã ngay lập tức cho con quay về.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, không phải trường hợp nào cũng nên học xong trung học, đi học đại học hoặc sau đại học mới du học tốt nhất.

Đối với đứa trẻ quá giỏi, giáo dục Việt Nam không thể đáp ứng được với sự bùng nổ của trẻ thì nên cho đi. Nhưng đi cũng phải tính toán. Trẻ nên có cha có mẹ đi kèm, hoặc có bà con. Chứ không nên được cái này mất cái kia”, ông Trung cho hay.

Nếu đã xác định du học, đặc biệt là đại học, con bạn nên chọn ngành nào thích hợp? Để trả lời câu hỏi đó, bạn cần trả lời 1 câu hỏi này trước, rất quan trọng, trước khi bước chân đi học: Đó là mục tiêu của con mình như thế nào? Ở lại nước ngoài hay về Việt Nam làm việc? Cái này vô cùng quan trọng trong việc xác định học ngành nào.

Có ngành chỉ tốt ở nước này mà không tốt ở nước kia và ngược lại. Hoặc có ngành hiện hữu ở nước này mà không có ở nước kia. Nếu mình học và tốt nghiệp sai thì rất lãng phí. Học mà không hành được thì cũng như không. Mình học và sau đó được thực tập cái mình học thì mới đáng và có hiệu quả. Tránh tình huống về Việt Nam không thịnh hành, bị mắc kẹt ở giữa.

Rất nhiều bạn trẻ khi chọn ngành nào du học thường chạy theo ý thích của mình nhiều hơn là thực tế.

Họ chọn ngành lãng mạn, đặc thù, xong tốt nghiệp kiếm công việc ở nước ngoài vô cùng khó khăn, không thể cạnh tranh với người da trắng.

Muốn vậy, người lớn phải định hướng cho con khéo léo, không quyết định thay nhưng phải làm tròn trách nhiệm, cho con lời khuyên, cân nhắc, và để con tự quyết. Các bạn trẻ phải biết rằng, ở nước ngoài vài năm không xin nổi việc là gần như mất giá trị cái bằng đó. Cuối cùng dù gia đình có khá giả bao nhiêu đi nữa thì mình vẫn phải đứng trên đôi chân của mình.

Cùng lắm là về Việt Nam? Cùng lắm là làm cho gia đình? Dở lắm. Mình làm không trúng chuyên ngành nên sẽ không làm bằng đam mê, trái tim. Phải làm với niềm tự hào, kiếm đồng tiền từ ngành mình yêu thích mới thú vị.

Cũng có những lúc mình học ngành này, nhưng có cơ hội ngành khác. Điều này cũng rất tốt. Bạn đừng có thất vọng. Lý thuyết chỉ chiếm mấy chục %, quan trọng tư duy và cách giải quyết vấn đề, tiếp cận vấn đề. Đó là tinh túy của học đại học.

Bạn cũng cần trả lời một câu hỏi khác: Tốt nghiệp nên ở lại một vài năm mới về hay về luôn? Theo tôi, nên ở lại vài năm, học và hành. Học ở phương Tây thì nên thực tập ở đó luôn. Sau đó, khi có đầy đủ kinh nghiệm thì trở về Việt Nam làm là đẹp nhất! - Ông Lý Quý Trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ