Philip Tsuei mới 12 tuổi khi bố mẹ cậu đưa cậu vượt hơn 11.000km từ quê hương Đài Loan, Trung Quốc, sang vùng phía Tây bang Massachusetts, Mỹ, để học trung học.
“Điều đó thật đáng sợ. Nó như thể tôi bị kết án tử hình. Tôi chỉ biết đếm ngược ngày tháng”, Tsuei hiện 23 tuổi cho biết.
Tuy nhiên, cậu hiểu rõ “nghĩa vụ” của mình là theo học trường nam sinh Eaglebrook ở Deerfield. Anh trai cậu, cũng trúng tuyển vào ngôi trường này, đã mô tả đó là bước đầu tiên để chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào đại học.
Hãng Bloomberg đưa tin các gia đình giàu có ở châu Á từ lâu đã coi những trường đại học ở Mỹ là tấm vé vàng giúp đảm bảo tương lai cho con em họ.
Ngày càng nhiều người muốn khởi động sớm cho cuộc đua này. Những trường tiểu học nội trú với học phí lên tới 74.000 USD/năm có thể mở ra một lộ trình tiềm năng vào các trường trung học tư thục hàng đầu - nguồn sinh viên chủ yếu của các nhất.
Ông Rick Dickson - người quản lý Dunbar Consulting, một công ty tư vấn giáo dục có trụ sở tại New York - cho biết: “Các gia đình trên mong muốn cho con vào các trường tiểu học nội trú vì họ cho rằng nó sẽ cho họ nhiều ưu thế hơn”.
Quy mô của thị trường có giới hạn này thật khó để định lượng. Tại trường Fay School, dựa theo số liệu do Viện nghiên cứu Southborough cung cấp, lượng thí sinh ngoại quốc đăng ký học lên cấp trên (lớp 7, 8, 9) đã tăng đáng kể những năm gần đây. Trong khi số lượng thí sinh Mỹ vẫn ổn định.
“Sự tăng trưởng nhanh” tương tự cũng xuất hiện tại Deerfield"s Bement School, theo lời hiệu trưởng Chris Wilson.
Trong khi đó, Giám đốc tuyển sinh trường Eaglebrook, ông Christopher Loftus, cho hay họ đã chứng kiến một “dòng chảy ồ ạt” học sinh Trung Quốc có nguyện vọng học ngôi trường này nên đã phải lập ra một chương trình để đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của các em để lọc bớt ứng viên Trung Quốc.
John Rao, hiện 21 tuổi, là một trong những “tay đua” sớm ở châu Á. Nền giáo dục cứng nhắc và phụ thuộc vào kết quả các kỳ thi ở Trung Quốc không phù hợp với Rao.
Năm cậu 13 tuổi, người cha là giám đốc một công ty công nghệ, đã tìm cách đưa con trai đi du học. Một thập kỷ trước, hiếm gia đình cho con đi xa nửa vòng Trái Đất khi còn nhỏ tuổi như vậy. Nhưng với Rao, học ở Hillside School dường như đã trở thành một cơ hội quá đỗi tốt đẹp.
Ở quê nhà Thâm Quyến, “điểm số của tôi cũng khá, song tôi không thể làm được nhiều thứ mình yêu thích”, Rao kể lại. Hiện tại, John Rao đang học Viện công nghệ Massuchusetts.
Học sinh khu vực Đông Á hiện chiếm phần lớn tỷ lệ các học sinh trung học quốc tế ở Mỹ, nhưng cơ bản là người Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2018, mặc dù tăng trưởng chậm, học sinh Trung Quốc vẫn chiếm 37% lượng học sinh trung học ngoại quốc tại Mỹ, theo công bố của Viện Giáo dục Quốc tế.
Theo trang web đánh giá trường nội trú ở Mỹ là Boarding School Review, trường Eaglebrook mà Phillip Tsuei từng học, giới thiệu có nguồn ủng hộ 100 triệu USD. Đây là ngôi trường hạng sang có ký túc xá rộng tới 800 héc-ta, bao gồm cả khu trượt tuyết riêng.
Những trường khác, chẳng hạn như Fay, Bement và Rumsey Hall, cũng có nguồn tài trợ lên đến 8 con số và ký túc xá phong cảnh hữu tình, đủ để cạnh tranh với một số trường đại học hàng đầu.
Fay – trường tiểu học nội trú lâu đời nhất nước Mỹ - có 10 sân bóng, 8 sân quần vợt, 4 sân bóng rổ, 2 bể bơi nước nóng ngoài trời, 2 trung tâm thể dục, một sân cưỡi ngựa và một bức tường tập leo núi.
Tuy nhiên, theo ông Dickson tại Dunbar Consultants, một trong những điểm hấp dẫn nhất của họ chính là mối quan hệ với các trường trung học tư thục cạnh trạnh hàng đầu.
Học sinh tốt nghiệp ở đây sẽ học tiếp lên những trường như Phillips Academy Andover, Phillips Exeter Academy, Choate Rosemary Hall and Deerfield Academy.
"Tất cả chúng ta đều ngầm biết điều này. Gần như điều đầu tiên chúng tôi được nghe là: ‘Em muốn theo học trường trung học nào?’", Tsuei, người sau đó theo học tại trường Loomis Chaffee ở Windsor, Connecticut và Đại học New York, hé lộ.
Tại Cardigan Mountain School ở Canaan, New Hampshire, gần 80 trường trung học tư thục đã cử đại diện đến gặp gỡ các học sinh tiềm năng vào mỗi mùa Thu. Các giám đốc tuyển sinh trung học thường đến gặp gỡ cá nhân, đôi khi ăn tối cùng những học sinh lớp 9 để hỏi về kế hoạch của họ.
Trang web của Fay School viết: “Sau khi học tiểu học nội trú ở Mỹ, nhiều học sinh trúng tuyển vào những trường trung học cạnh tranh hàng đầu thế giới. Ngược lại, những trường trung học hàng đầu này lại được cho là nơi “ươm mầm tài năng” cho các trường đại học ưu tú như Harvard, Princeton và Yale”.
Ngoài các câu lạc bộ sinh hoạt thú vị và mối quan hệ với các trường đại học hàng đầu, những ngôi trường này cũng mang đến cho sinh viên nước ngoài cơ hội học tập trong môi trường linh hoạt hơn so với ở quốc gia của họ, đồng thời cũng giúp họ sớm thích nghi với văn hóa Mỹ.
Nhiều bạn học của Rao và Tsuei là con trai của giám đốc những tập đoàn nổi tiếng toàn cầu. Bà Yuan-Hsiu Lien, giáo viên tiếng Trung tại Eaglebrook cho biết phụ huynh của học sinh tại trường nội trú này đều là những doanh nhân thành đạt, từng được trải nghiệm môi trường giáo dục ở nước ngoài và hiểu rõ giá trị của tấm bằng cử nhân ở Mỹ.
“Bằng nhiều hình thức, bạn ở trong chiếc ao nhỏ này cùng với những con cá lớn. Nhưng không phải vì cái ao này nhỏ thực sự mà bởi vì những con quá lớn”, Phillip Tsuei nói. Phải nói rằng, rời nhà đi học xa từ khi còn nhỏ là một thử thách khó khăn. Suốt thời gian dài, Tsusei chỉ muốn được về nhà.
“Đôi khi, tôi nghĩ rằng ‘Tại sao những người như chúng tôi, những người như những đứa trẻ thông minh ở Đài Loan hay các vùng khác ở châu Á, cần phải đến đây để cảm thấy có được cơ hội tốt hơn trong cuộc sống. Liệu ở lại châu Á không đủ hay sao?”, cậu thanh niên trăn trở.