Tìm môi trường GD ít áp lực
Ngày mà Yang Jinkai rời thành phố công nghiệp quê nhà Thẩm Dương sang Mỹ, mặt trời bị che phủ một lớp sương mù ô nhiễm. Bố mẹ Yang cho cậu con trai 16 tuổi sang Mỹ học THPT để hưởng một môi trường sống trong lành và quan trọng hơn cả là tìm đến một nền giáo dục ít áp lực.
Sang Mỹ, Yang chọn một cái tên mới – Korbin – mà theo cậu là để dễ hoà nhập với xã hội Mỹ. Để giúp con chuyển khỏi môi trường cạnh tranh khắc nghiệt trong hệ thống giáo dục Trung Quốc, bố mẹ Korbin phải trả gần 40.000 USD cho một công ty tư vấn du học để giúp cậu làm thủ tục tuyển sinh vào một trường THPT công lập tại Michigan. Mục tiêu cuối cùng của gia đình Yang là Korbin sẽ vào học một trường đại học hàng đầu Mỹ.
Ngôi trường mà Korbin theo học là Oxford, nó hoàn toàn không liên quan gì tới Trường Đại học Oxford ở Anh mà là mang tên một thị trấn nhỏ trùng tên Oxford phía Bắc Detroit. Tuy nhiên, cái tên trường cũng mang nhiều ý nghĩa tinh thần với gia đình Korbin. “Bố tôi thực sự thích tấm bằng tú tài mang tên trường Oxford” – Korbin chia sẻ.
Trẻ hóa du học sinh
Theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2016 bởi công ty nghiên cứu có trụ sở tại Thượng Hải, 83% triệu phú Trung Quốc có kế hoạch đưa con ra nước ngoài du học. Tuổi trung bình, theo nghiên cứu này, đã giảm xuống 16 hiện nay so với 18 năm 2014 – tức là tuổi vào học đầu cấp THPT.
Năm 2005, chỉ 641 học sinh Trung Quốc du học các trường THPT Mỹ. Đến năm 2014, con số này đã đạt 40.000 – tăng 60 lần trong 1 thập kỉ - và hiện chiếm gần nửa học sinh THPT quốc tế tại Mỹ.
“Phụ huynh nhìn nhận phải bắt đầu cho con du học sớm nếu muốn con họ vào được trường ĐH hàng đầu Mỹ” – theo Nini Suet, sáng lập Shang Learning, văn phòng tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh thu phí 25.000 - 40.000 USD để giúp học sinh Trung Quốc làm thủ tục du học trường nội trú Mỹ.
Tuy nhiên, làn sóng du học sớm của học sinh Trung Quốc cũng đã bộc lộ mặt trái. Một lượng tiền lớn của phụ huynh Trung Quốc chảy vào túi các trung tâm trung gian – có vai trò kết nối phụ huynh giàu có với các trường khát kinh phí. Nhiều trung tâm tư vấn đã thổi phồng, đưa thông tin sai lệch khiến phụ huynh không lựa chọn được trường đúng với nguyện vọng của họ.
Nếu như trước đây các trường THPT tư nhân ở Mỹ chiếm trọn thị phần du học sinh quốc tế thì gần đây các trường THPT công lập cũng nhảy vào cuộc cạnh tranh. Hiện có chưa tới 5% học sinh Trung Quốc theo học các trường công tại Mỹ nhưng các cơ quan quản lí giáo dục Mỹ đã bắt đầu tìm cách quảng bá và thu hút du học sinh vào trường công để bù đắp ngân sách eo hẹp. Ngoài ra, việc này cũng tạo nên sự đa dạng văn hoá tăng lên trong trường công – qua đó không tạo khoảng cách quá chênh lệch so với trường tư.