Cánh cửa vào đại học với học sinh nông thôn Trung Quốc vẫn vô cùng gian nan…
Tụt hậu trên phố thị
Su lớn lên tại Sankeshu, một thị tứ nghèo tại thành phố Suqian, tỉnh Giang Tô, và học tiểu học rồi THCS tại đó. Sau khi tốt nghiệp THCS, Su chuyển tới một trường THPT lớn tại Thái Châu, thành phố thủ phủ tỉnh Giang Tô, nơi bố mẹ Su hy vọng con mình sẽ tiếp nhận chất lượng GD cao hơn.
Mặc dù Su nằm trong nhóm 20% học sinh có kết quả học tập tốt nhất ở trường THCS, nhưng đã ngay lập tức rơi xuống vị trí đội sổ ở lớp mới trường THPT.
Cậu chỉ đạt 37 trên 150 điểm trong kỳ thi Toán đầu tiên của trường. “Từ vựng Anh ngữ của các bạn trong lớp vượt xa em” - Su chia sẻ -
“Em không biết bắt đầu từ đâu để có thể đuổi kịp được các bạn”.
Su giống như nhiều học sinh nông thôn khác rơi vào một hoàn cảnh khó khăn mà nếu không có bàn tay điều chỉnh vĩ mô thì tấm vé vào những trường đại học danh tiếng là điều không tưởng.
Để giải bài toán trên, chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các trường ĐH lớn lưu tâm đặc biệt tới học sinh thuộc những gia đình nông thôn thu nhập thấp.
Trông chờ chính sách ưu tiên
Ngay khi hệ thống giáo dục đại học Mỹ bắt đầu đề ra những chính sách ưu đãi cho đối tượng sinh viên gốc Phi và Tây Ban Nha từ vài thập kỷ trước, hệ thống giáo dục Trung Quốc cũng đã bắt đầu
có chính sách ưu tiên đối với sinh viên khu vực nông thôn, chưa có hiệu quả rõ rệt cho tới gần đây.
Ngay khi kì thi tuyển sinh đại học Trung Quốc (gaokao) kết thúc vào ngày 8/6 năm ngoái, các trường đại học đã công bố kế hoạch tuyển sinh mới.
Năm nay, nhiều trường chú trọng tuyển sinh sinh viên từ gia đình thu nhập thấp và khu vực nông thôn.
Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, một trong những trường danh tiếng nhất Trung Quốc, có kế hoạch tuyển 3.372 sinh viên, tương tự như năm 2013, nhưng số sinh viên con nhà nông sẽ được tăng từ 60 năm trước lên thành 240.
Một trường danh tiếng khác là Đại học Fudan tại Thượng Hải, đã công bố kế hoạch tuyển hơn 300 sinh viên từ khu vực nông thôn, chiếm khoảng 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay.
Trong khi Đại học Renmin Trung Quốc đã khởi động một chương trình được gọi là “Hoàn thành giấc mơ của bạn”, cấp 80 chỉ tiêu cho sinh viên khu vực nông thôn, tăng 50% so với năm ngoái. Còn Đại học Trùng Khánh dành 80 chỉ tiêu cho sinh viên thuộc khu vực sâu xa kém phát triển.
Theo báo cáo chính phủ 2014 công bố hồi tháng 3, số sinh viên từ khu vực nông thôn nghèo được tuyển vào các trường ĐH, CĐ lớn đã tăng 8,5% năm 2013.
Báo cáo cũng đặt ra mục tiêu cho năm nay là tăng tuyển sinh hơn 10% số sinh viên thuộc diện khó khăn vào những trường tốt nhất.
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã nhanh chóng thực hiện khuyến nghị của báo cáo và yêu cầu các trường đại học dành “hạn ngạch” không dưới 2% tổng số sinh viên cho đối tượng sinh viên khu vực nông thôn, vùng xa.