Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện
Theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng có hiệu lực từ 1/6/2014 thì giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chỉ gồm 6 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Tỷ lệ phần trăm giá bán lẻ điện sinh hoạt so với mức giá bán lẻ điện bình quân được quy định cụ thể như sau: Điện sinh hoạt từ 0 - 50 kWh tỷ lệ là 92%; từ 51 - 100 kWh tỷ lệ này là 95%; từ 101 – 200 kWh là 110% (hiện khoảng này được chia thành hai nấc, từ 101 - 150 kWh và 151-200 kWh); từ 201 - 300 kWh là 138%.
Ngoài ra, trong bảng giá cho điện sinh hoạt, khi khách hàng sử dụng từ 301 – 400 kWh thì mức tính từ 1/6 chỉ bằng 154% giá điện bình quân, giảm so với tỉ lệ 155% như hiện nay. Từ trên 401 kWh trở lên, giá điện sinh hoạt vẫn là 159%.
Giá bán lẻ điện cho sản xuất cũng được điều chỉnh. Nếu hiện nay nhóm giá bán lẻ điện cho sản xuất được tách thành 2 nhóm: các ngành sản xuất và bơm nước tưới tiêu thì Quyết định 28/2014/QĐ-TTg chỉ quy định chung một nhóm giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất với mức giá bán tăng 1% đối với giờ thấp điểm.
Bên cạnh đó, Quyết định mới cũng quy định giá bán điện cho chiếu sáng công cộng và đơn vị hành chính sự nghiệp chung một mức giá. Cụ thể, đối với cấp điện áp từ 6kV trở lên là 99% giá điện bình quân; cấp điện áp dưới 6kV là 103% giá điện bình quân.
Giá bán lẻ điện cho kinh doanh cũng giảm 5% so với hiện nay đối với giờ bình thường, giảm 3% đối với giờ thấp điểm và 8% đối với giờ cao điểm cho cấp điện áp từ 6-22 kV còn 9% đối với giờ cao điểm cho cấp điện áp dưới 6 kV.
Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 15/6/2014, công dân đang tạm trú nếu có đủ 3 điều kiện dưới đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
1- Có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc trung ương.
Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng Nhân dân thành phố.
2- Có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc trung ương từ một năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương; từ 2 năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Trường hợp tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau thì thời gian tạm trú liên tục được tính bằng tổng thời gian tạm trú tại các chỗ ở đó.
Nghị định cũng nêu rõ, thời hạn tạm trú liên tục được tính từ ngày công dân đăng ký tạm trú đến ngày công dân nộp hồ sơ đăng ký thường trú. Giấy tờ chứng minh thời hạn tạm trú là Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình hoặc cấp cho cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Công an.
3- Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Riêng trường hợp đăng ký thường trú vào nội thành TP Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.
Hệ số tối đa nhuận bút tác phẩm báo in, báo điện tử từ 10 - 50
Theo Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, có hiệu lực thi hành từ 1/6/2014, đối tượng được hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử gồm:
1- Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo chí sử dụng; 2- Lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm báo chí; 3- Người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí.
Khung nhuận bút cho tác phẩm báo in, báo điện tử được quy định hệ số tối đa là 10 đối với tin, trả lời bạn đọc, tranh, ảnh. Đối với thể loại chính luận, phóng sự, ký (một kỳ), bài phỏng vấn, sáng tác văn học, nghiên cứu thì hệ số tối đa là 30. Riêng thể loại trực tuyến, Media thì hệ số tối đa là 50.
Đối với tác phẩm báo nói, báo hình thì hệ số tối đa cho thể loại tin, trả lời bạn đọc là 10; đối với thể loại chính luận, phóng sự, ký (một kỳ), bài phỏng vấn, sáng tác văn học, nghiên cứu, hướng dẫn khoa học giáo dục là 30 và tọa đàm, giao lưu là 50.
Trong đó, giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở.
5 trường hợp chấm dứt trước hạn hợp đồng cho thuê tài chính
Theo Nghị định về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính có hiệu lực từ ngày 25/6/2014, có 5 trường hợp chấm dứt trước hạn hợp đồng cho thuê tài chính gồm:
1- Bên thuê không thanh toán tiền thuê hoặc vi phạm một trong các điều khoản, điều kiện khác là căn cứ chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính, được quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.
2- Bên thuê bị tuyên bố phá sản, giải thể.
3- Bên cho thuê vi phạm một trong các điều khoản, điều kiện là căn cứ chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính, được quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.
4- Tài sản cho thuê bị mất, hỏng không thể phục hồi sửa chữa.
5- Bên cho thuê và bên thuê đồng ý để bên thuê thanh toán toàn bộ tiền thuê còn lại trước thời hạn thuê quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.
Bên cho thuê và bên thuê quy định cụ thể trong hợp đồng cho thuê tài chính việc chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính theo quy định.
Người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy được vay vốn ưu đãi
Theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng, hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương sẽ được vay vốn ưu đãi.
Mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/cá nhân; 30 triệu đồng/hộ gia đình. Người vay có thể vay vốn nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa theo quy định trên.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
Thời hạn cho vay tối đa là 60 tháng. Thời hạn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội và cá nhân, hộ gia đình vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Trong giai đoạn thí điểm (2014 - 2016), áp dụng thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/6/2014.
Cho vay ưu đãi đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ
Theo Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Quỹ tài trợ không hoàn lại hoặc một phần cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất.
Bên cạnh đó, hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm: Tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế của nhà khoa học trẻ; nghiên cứu sau tiến sỹ; thực tập nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài;...
Ngoài ra, Quỹ cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống. Quỹ cũng bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt do Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện với nguồn vốn riêng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.
10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố
Theo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) có hiệu lực từ ngày 20/6/2014, có 10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gồm:
1- Phòng Nội vụ; 2- Phòng Tư pháp; 3- Phòng Tài chính - Kế hoạch; 4- Phòng Tài nguyên và Môi trường; 5- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; 6- Phòng Văn hoá và Thông tin; 7- Phòng Giáo dục và Đào tạo; 8- Phòng Y tế; 9- Thanh tra huyện; 10- Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND hoặc Văn phòng UBND nơi thí điểm không tổ chức HĐND.
Ngoài 10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nêu trên, tổ chức một số cơ quan chuyên môn để phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính cấp huyện.
Cụ thể, ở các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô thị; ở các huyện có phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và Hạ tầng.
Riêng Phòng Dân tộc, Nghị định quy định, việc thành lập Phòng Dân tộc do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định căn cứ tiêu chí quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 2 Nghị định 53/2004/NĐ-CP về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp.
Về tổ chức các cơ quan chuyên môn ở các huyện đảo, Nghị định quy định, căn cứ vào các điều kiện cụ thể của từng huyện đảo, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện đảo. Số lượng cơ quan chuyên môn của UBND huyện đảo không quá 10 phòng.
Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng phải thường xuyên, liên tục
Theo Nghị định 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, việc giám sát ngân hàng sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Nghị định 26/2014/NĐ-CP nêu rõ, nguyên tắc thanh tra, giám sát ngân hàng phải bảo đảm tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương; tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; giám sát ngân hàng được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Đồng thời, thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật sẽ kết hợp với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng; kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra ngân hàng và giám sát ngân hàng...
Theo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, giá trần của mặt hàng sữa trong khâu bán buôn, áp dụng đối với 25 mặt hàng sữa.
Trên cơ sở mức giá tối đa của 25 sản phẩm này, tổ chức, cá nhân căn cứ vào phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành và so sánh về giá của sản phẩm sữa đó với sản phẩm sữa đã công bố giá tối đa, xác định giá cho sản phẩm rồi gửi cho cơ quan có thẩm quyền quản lý giá trực thuộc Bộ Tài chính.
Quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giá trực thuộc Bộ Tài chính là: Hướng dẫn thực hiện Quyết định này, tiếp nhận hồ sơ đăng ký về giá tối đa để thực hiện rà soát chi phí hình thành giá tối đa, kiểm soát việc đăng ký giá theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá tại Bộ Tài chính…
Đồng thời, phải công khai mức giá tối đa sản phẩm sữa của tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá tại Bộ Tài chính.
Quy định mới về cấp biển số xe
Theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe, cơ quan chức năng cấp biển số xe ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ.
Trường hợp cấp mới, đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe; cấp hồ sơ sang tên, di chuyển xe; cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe thì thời gian hoàn thành thủ tục không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe bị mất thì thời gian xác minh và hoàn thành thủ tục không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thông tư nêu rõ, ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi.
Trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Nghiêm cấm mọi hành vi giả mạo hồ sơ, đục xóa số máy, số khung để đăng ký xe.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.
Hướng dẫn gia hạn nộp tiền sử dụng đất
Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ.
Thông tư quy định rõ đối tượng áp dụng gồm các chủ đầu tư dự án bất động sản được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư đã được bàn giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua; dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; dự án đầu tư xây dựng công trình có nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong đó có mục đích xây dựng nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản chưa nộp tiền sử dụng đất thì được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Dự án bất động sản chưa nộp tiền sử dụng đất được xác định là dự án mà chủ đầu tư chưa hoàn thành việc nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bao gồm cả trường hợp mới nộp được một phần vào ngân sách nhà nước) theo thông báo lần đầu của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp không có thông báo của cơ quan thuế) theo quy định của pháp luật.
Việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư dự án bất động sản thực hiện theo từng dự án và tính trên số tiền sử dụng đất (bao gồm cả số tiền sử dụng đất được xác định bổ sung theo quy định của pháp luật) còn phải nộp vào ngân sách nhà nước (không bao gồm số tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế).
Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình có nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong đó có mục đích xây dựng nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua thì số tiền sử dụng đất được gia hạn tính theo diện tích phân bổ cho các mục đích xây dựng nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/6/2014.
Quy định về hóa đơn áp dụng từ ngày 1/6
Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014.
Thông tư 392014/TT-BTC được ban hành thay thế thông tư 64/2013/TT-BTC, quản lý chặt chẽ hơn doanh nghiệp được tự in hoá đơn, đặt in hoá đơn và mở rộng đối tượng mua hoá đơn của cơ quan thuế; trong đó có doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và doanh nghiệp có hành vi vi phạm về hoá đơn.
Cụ thể Thông tư 39/2014/TT-BTC có nhiều điểm mới so với Thông tư 64/2013/TT-BTC.
Về đối tượng được tự in hoá đơn, sửa đổi mức vốn điều lệ đối với doanh nghiệp được tự in hóa đơn kể từ khi có mã số thuế từ mức vốn điều lệ 1 tỷ đồng thành 15 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn.
Doanh nghiệp, tổ chức cung ứng phần mềm hoá đơn phải báo cáo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lí về việc cung cấp phần mềm hoá đơn theo quý thay vì theo 6 tháng 1 lần như quy định tại Thông tư 64/2013/TT-BTC.
Thông tư 39 cũng quy định cá nhân không còn được tạo hóa đơn đặt in mà chuyển sang sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế.
Doanh nghiệp nhận in hóa đơn đặt in phải báo cáo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lí về việc nhận in hóa đơn theo quý thay vì 6 tháng 1 lần.
Về đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế, bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế gồm: Tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu; Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế; Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Bộ Tài chính cũng nêu rõ, từ ngày 1/6/2014, cơ quan thuế không tiếp nhận Thông báo phát hành hóa đơn xuất khẩu.