Chính sách hỗ trợ giúp phục hồi thị trường lao động

GD&TĐ - Nhờ các chính sách hỗ trợ, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện đáng kể.

Theo báo cáo, số người thiếu việc làm đã giảm đi. Ảnh minh họa
Theo báo cáo, số người thiếu việc làm đã giảm đi. Ảnh minh họa

Bảo đảm khôi phục nguồn cung ứng lao động

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình thông tin, thị trường lao động Việt Nam phục hồi tương đối nhanh. Thêm vào đó, lực lượng lao động và số lượng việc làm tăng ở mức khá, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Đồng thời, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện đáng kể.

Cục trưởng Vũ Trọng Bình chia sẻ: “Nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời và nỗ lực trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhờ đó, góp phần bảo đảm khôi phục nhanh nguồn cung ứng lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động”.

Theo đó, thị trường lao động Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đã có những chuyển biến tích cực. Thống kê của Cục Việc làm cho thấy, tại quý I năm 2022 có 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động bởi đại dịch, đến quý II, con số này giảm còn 8 triệu người và tới quý III chỉ còn 4,4 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực. Con số này ít hơn 23,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động bị mất việc làm đã giảm mạnh so với những quý trước, trong quý III, số lao động bị mất việc làm chỉ còn 0,3 triệu người (chiếm 6,4%); 1,3 triệu người tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 1,2 triệu người bị cắt giảm giờ làm, 3,6 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các yếu tố của thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được tạo lập đồng bộ. Bên cạnh đó là khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện. Các chỉ tiêu thị trường lao động như chất lượng cung lao động, cơ cấu cầu lao động, thu nhập, tiền lương, năng suất lao động, tính cạnh tranh của lao động đều được cải thiện và tăng lên.

Thêm vào đó, nguồn cung lao động cho thị trường không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Nhu cầu lao động tăng cao đòi hỏi chất lượng cần được tăng cao theo hướng hiện đại và bền vững. Hơn hết, hệ thống an sinh xã hội đã được xây dựng tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả với vai trò giá đỡ cho thị trường lao động.

“Chính phủ đã tập trung tháo gỡ những “nút thắt” về thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư để tạo việc làm. Đồng thời, Việt Nam đang tăng cường xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, phân tích dự báo thị trường lao động, triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động”, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết thêm.

Rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo ngành

Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho rằng, Việt Nam cần tăng cường công tác thông tin truyền thông để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như đẩy mạnh đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo bổ sung.

Lãnh đạo Cục Việc làm nhận định, về lâu dài, Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động. Cùng với đó là xây dựng bản đồ công nghiệp của Việt Nam để xác định các chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng phục vụ khai thác, phân bổ, sử dụng lao động trên toàn quốc. Thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực.

Việt Nam cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, hay đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động trước, trong và sau quá trình tham gia thị trường lao động. Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động…

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số lượng công việc cần tuyển lao động tăng vọt tại thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khiến thị trường lao động bị siết chặt. Bởi tình trạng số lượng vị trí cần tuyển tăng cao hơn so với số lượng người tìm việc.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.

Trên cơ sở đó, kinh tế - xã hội quý III năm 2022 của nước ta khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%. Khu vực dịch vụ tăng 18,86%. Nhờ đó, thị trường lao động việc làm nước ta trong quý III năm 2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 22/9/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 3.539 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 5 triệu người lao động tại 120.295 doanh nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ 3.055 tỷ đồng, cho 4,7 triệu người lao động đang làm việc trong 91.892 doanh nghiệp. Hỗ trợ hơn 484 tỷ đồng cho 422.687 người lao động quay trở lại thị trường lao động tại 28.403 doanh nghiệp. Mặc dù, không phải tất cả người lao động đều nhận được hỗ trợ nhưng Nhà nước và nhân dân nước ta đã cố gắng khắc phục khó khăn để các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục trở lại trạng thái bình thường mới. Bên cạnh số người có việc làm tăng lên so với quý trước và cùng kỳ năm trước, thì số người thiếu việc làm đã giảm đi so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ