Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề: Sức hút chưa đủ mạnh với doanh nghiệp

GD&TĐ - Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động với kinh phí 4.500 tỷ được quy định trong Nghị quyết 68 vẫn chưa thu hút sau gần 4 tháng triển khai.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động với kinh phí 4.500 tỷ được quy định trong Nghị quyết 68 vẫn chưa thu hút sau gần 4 tháng triển khai.
Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động với kinh phí 4.500 tỷ được quy định trong Nghị quyết 68 vẫn chưa thu hút sau gần 4 tháng triển khai.

Chưa đúng thời điểm đào tạo

Ngày 1/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng, sau gần 4 tháng triển khai, chính sách dường như vẫn chậm khi có rất ít doanh nghiệp, người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt hỗ trợ.

Toàn tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ khoảng 17 nghìn đối tượng theo Nghị quyết 68. Nhưng trong số này, không có đơn vị nào đề nghị hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Qua rà soát, toàn tỉnh có khoảng 2 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí để được nhận hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao trình độ kỹ năng. Tuy nhiên, đã 4 tháng từ khi triển khai Nghị quyết 68, vẫn chưa có doanh nghiệp nào của tỉnh làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Nguyên nhân do trong thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp sử dụng 50% số lao động để duy trì sản xuất. Khi trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp huy động người lao động đến làm việc để sớm phục hồi sản xuất cho các đơn hàng. Chính vì vậy, doanh nghiệp không muốn hoặc không thể đưa người lao động đi đào tạo trong thời điểm này. Nhất là thời điểm cuối năm, doanh nghiệp cần tăng tốc để đáp ứng nhu cầu sản phẩm của thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Đắk Nông đều chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản. Phần lớn doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định.

Một số đơn vị sử dụng lao động khác lại có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ kinh doanh nên không ký kết hợp đồng lao động. Chính vì thế, nhiều người lao động không đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đây là một trong những tiêu chí để được nhận hỗ trợ đào tạo nghề.

Theo đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, đào tạo nghề theo Nghị quyết 68 không hạn chế lĩnh vực nghề nghiệp, loại hình doanh nghiệp. Để hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, Sở đã tiến hành tuyên truyền, rà soát nhu cầu cần đào tạo lại lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có kế hoạch, phương án đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, tới thời điểm hiện tại, chưa có người sử dụng lao động nào làm hồ sơ để nhận hỗ trợ đào tạo nghề. Sở sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh triển khai cán bộ, xuống từng địa phương để điều tra, rà soát lại nhu cầu người lao động. Sau khi có kết quả sẽ phân luồng lao động, ai có nhu cầu đào tạo thì sẽ tổ chức đào tạo nghề.

Mới có 2 địa phương tiếp nhận và phê duyệt kinh phí hỗ trợ

Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Trọng Độ cho biết, đến ngày 22/10, mới có 2 địa phương tiếp nhận và phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động. Đó là Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình phê duyệt quyết định hỗ trợ cho người sử dụng lao động đào tạo bồi dưỡng kỹ năng cho hơn 600 người lao động. Cùng với đó là Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình phê duyệt tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng lao động cho gần 800 lao động.

Theo ông Đào Trọng Độ, quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn còn một số khó khăn. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp tập trung cho công tác phòng chống dịch, sản xuất “3 tại chỗ” nên chưa làm hồ sơ thực hiện. Một số địa phương đã quay lại sản xuất nhưng thiếu lao động. Một số địa phương khi xem xét hồ sơ còn cứng nhắc, yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thêm các hồ sơ, thủ tục ngoài quy định.

Ông Đào Trọng Độ cũng cho biết, trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, một số địa phương gặp khó khăn trong việc xác nhận bảo hiểm xã hội, xác nhận hồ sơ. Ở TP Hồ Chí Minh, phê duyệt ở 1 nơi nhưng doanh nghiệp lại đóng bảo hiểm xã hội ở chỗ khác. Trong khi đó, tổ chức đào tạo cho người lao động lại ở một nơi. Một số Sở LĐ-TB&XH khi tiếp nhận hồ sơ thì băn khoăn trong việc xác định tính xác thực của phương án, cũng như giảm doanh thu, thay đổi cơ cấu, công nghệ...

Cũng theo ông Độ, để đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động để đào tạo. Trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người sử dụng lao động, các địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 23 và Quyết định số 777 của Bộ LĐ-TB&XH. Không làm phát sinh thêm bất cứ thủ tục, hồ sơ nào ngoài danh mục quy định.

Ông Đào Trọng Độ lưu ý, chỉ có 4 hồ sơ mà người sử dụng lao động phải nộp cho sở LĐ-TB&XH. Đó là xác nhận của BHXH; báo cáo giảm doanh thu; báo cáo thay đổi cơ cấu, công nghệ; phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau gần 4 tháng triển khai nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, 20 đơn vị đã đề nghị xác nhận hồ sơ cho gần 1.800 lao động.

Trước đó, theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động mỗi tháng và thời gian hỗ trợ tối đa sáu tháng.

Thời điểm người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Nguồn kinh phí được sử dụng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với ngân sách ước tính là khoảng 4.500 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.