Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5 năm 2023

GD&TĐ - Quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Quy chế thi tốt nghiệp THPT… là chính sách giáo dục đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 5/2023.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Điều chỉnh quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.

Theo đó, Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT có những chính sách pháp luật mới nổi bật sau:

Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng;

Quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp;

Không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng 1 phải có trình độ thạc sĩ;

Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm;

Điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng 3 từ 9 năm xuống còn 3 năm;

Giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Trước khi ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT theo thẩm quyền, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó phải kể đến ý kiến góp ý của 63 Sở GD&ĐT với sự tham gia của gần 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông. Đặc biệt là sự tham gia góp ý trực tiếp của hơn 580.000 giáo viên mầm non, phổ thông trên hệ thống TEMIS. Theo đó, Bộ đã nhận được sự đồng thuận cao đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT

Ngày 24/3/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐ sửa đổi một số điều Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Thông tư có hiệu lực từ 9/5/2023.

Theo đó, những sửa đổi, bổ sung liên quan đến: Ban Chỉ đạo cấp quốc gia; sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đăng ký dự thi; trách nhiệm của thí sinh; hội đồng ra đề thi; in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi; bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại Điểm thi; Ban Coi thi; làm thủ tục dự thi cho thí sinh; khu vực chấm thi; Ban Làm phách bài thi tự luận; chấm bài thi tự luận; quản lý điểm bài thi; phúc khảo bài thi và điểm ưu tiên.

Những điều chỉnh trên chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức Kỳ thi an ninh, an toàn.

Đáng chú ý, thí sinh không còn được mang “các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác” vào phòng thi.

Quy định vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi theo Quy chế mới chỉ bao gồm “bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí”.

Liên quan đến Hội đồng ra đề thi, Quy chế quy định: Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành Giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Mỗi bài thi/môn thi có một Tổ ra đề thi gồm Tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi.

Quy chế mới cũng quy định thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12.

Cũng liên quan đến đăng ký dự thi, dự thảo sửa đổi liên quan đến quy định về hồ sơ đăng ký dự thi dành cho đối tượng là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi.

Về điểm ưu tiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung liên quan đến một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,25 và cộng 0,5 điểm ưu tiên.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Ban hành mới Quy chế đào tạo trình độ CĐ ngành Giáo dục mầm non

Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non được Bộ GD&ĐT ban hành kèm Thông tư số 07/2023/TT-BGDĐT ngày 10/4/2023 . Thông tư có hiệu lực thi hành từ 25/5/2023, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh sau ngày Thông tư có hiệu lực thi hành và thay thế Thông tư số 24/2019/TT-BGDĐT ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Quy chế này quy định về đào tạo trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non bao gồm: chương trình đào tạo và thời gian học tập; phương thức tổ chức đào tạo; hình thức đào tạo, liên kết đào tạo; lập kế hoạch và tổ chức dạy học; đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp; những quy định khác đối với sinh viên.

Đáng chú ý, theo Quy chế đào tạo, sinh viên được xem xét chuyển cơ sở đào tạo khi có đủ các điều kiện như:

Thứ nhất, không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa; không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định tại khoản 5 Điều 2 của Quy chế này.

Thứ hai, sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến;

Thứ ba, nơi chuyển đến có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT;

Thứ tư, được sự đồng ý của thủ trưởng cơ sở đào tạo xin chuyển đi và cơ sở đào tạo xin chuyển đến.

Quy chế cũng quy định, sinh viên được xem xét chuyển từ đào tạo theo hình thức chính quy sang hình thức vừa làm, vừa học của cơ sở đào tạo nếu còn đủ thời gian học tập theo quy định đối với hình thức chuyển đến.

Tại Điều 15 quy định, sinh viên được xin nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học trong các trường hợp sau: Được điều động vào lực lượng vũ trang; Được cơ quan có thẩm quyền điều động tham dự các kỳ thi, giải đấu;

Bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài có chứng nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế; Vì lý do cá nhân khác nhưng đã phải học tối thiểu 1 học kỳ ở cơ sở đào tạo và không thuộc các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật.

Thời gian nghỉ học tạm thời vì nhu cầu cá nhân phải được tính vào thời gian học chính thức quy định tại khoản 5 Điều 2 của Quy chế này.

Sinh viên xin thôi học vì lý do cá nhân, trừ trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật muốn quay trở lại học phải dự tuyển đầu vào như những thí sinh khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ